Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Erich Maria Remarque

 


                                  Eric Maria Remarque




Erich Maria Remarque, nhà văn người Đức, là tác giả của “Phía Tây không có gì lạ” - cuốn tiểu thuyết hay nhất về Thế chiến I. Sau này, Remarque còn viết nhiều tác phẩm được đánh giá là thành công về cả mặt thương mại lẫn nghệ thuật, nhưng ông không bao giờ thoát khỏi cái bóng của chính mình được tạo dựng nên nhờ cuốn tiểu thuyết đầu tay.
"Thời gian để sống và thời gian để chết ", "Chiến hữu" ( " Ba người bạn"), "Khải hoàn môn", "Bia mộ đen", "Đêm Lisbon", "Phía Tây không có gì lạ", "Tia lửa sống", "Bóng tối thiên đường", "Bản du ca cuối cùng", "Hãy yêu kẻ sống cạnh mình", "Bầu trời không biệt đãi ai", "Đế chế thứ ba"...


Erich Maria Remarque sinh ngày 21/6/1898 trong một gia đình bình dân tại Osnabrück, miền Tây nước Đức. Tổ tiên ông là người Pháp nhưng được “Đức hóa” từ đầu thế kỷ 19. Peter Franz Remark - bố của nhà văn - là một thợ đóng sách nghèo. Dù không mấy quan tâm đến những hoạt động văn hóa nghệ thuật nhưng gia đình ông cũng có một chiếc piano. Nhờ có cây đàn mà Remarque đã trở thành giáo viên dạy nhạc kiếm sống trong những ngày gia đình ông gặp khó khăn. Đã có lúc, nhà văn tương lai ôm ấp ý định trở thành nhạc sĩ. Năm 1904, lên 7 tuổi, Remarque theo học tại trường Dòng. Theo lời những người bạn cùng thời kể lại, ông luôn là “cậu học trò giỏi nhất”.


Tốt nghiệp trung học, Remarque vào Đại học Münster, nhưng chưa học xong, ông đã bị gọi nhập ngũ và chiến đấu ở mặt trận phía Tây. Những tháng ngày vào sinh ra tử trong lửa đạn này là nguồn tư liệu quý giá cho ông khi viết cuốn tiểu thuyết đầu tay. Nhiều nguyên mẫu ông gặp, nhiều địa danh ông đã kinh qua về sau đều được ít nhiều miêu tả trong cuốn sách.

Nhà văn Erich Maria Remarque
Remarque bắt đầu sự nghiệp viết lách với vai trò của một phóng viên thể thao. Đầu những năm 1920, ông gặp gỡ và kết hôn với Jutta Zambona - “một phụ nữ cao ráo, thon thả, xinh đẹp và sành điệu như người mẫu”. Nhưng cuộc sống vợ chồng của nhà văn gặp nhiều sóng gió, cả hai đều “ông ăn chả, bà ăn nem”. Họ ly hôn năm 1925 rồi tái hôn năm 1938.

Với sự ra đời của "Phía Tây không có gì lạ" - cuốn tiểu thuyết kể về số phận của một toán lính sống sót trong chiến tranh, danh tiếng của Remarque nổi như cồn đồng thời khiến ông trải qua không biết bao nhiêu long đong lận đận. Phía Tây không có gì lạ từng bị một nhà xuất bản từ chối nhưng khi ra đời, cuốn sách được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, tiêu thụ được hơn 8 triệu bản. Henry Louis Mencken - nhà phê bình nổi tiếng đương thời - nhận xét: “Không nghi ngờ gì nữa, đây là cuốn tiểu thuyết hay nhất về thế chiến I”.


Cùng với những nhà văn như Ernest Hemingway, Remarque trở thành người phát ngôn cho “một thế hệ bị chiến tranh tàn phá dù họ đã thoát khỏi hòn tên mũi đạn”. Cuốn tiểu thuyết nhanh chóng được Ernest Johannsen và Lewis Milestone chuyển thành phim. Nhưng sự thật khắc nghiệt, khủng khiếp được miêu tả trong cái nhìn hiện thực trần trụi của nhà văn khiến cho các nhà cầm quyền không an lòng. Sách của ông - Phía Tây không có gì lạ và một cuốn tiểu thuyết khác  bị Đức quốc xã đem đốt. Còn bộ phim thì vừa ra mắt đã bị bọn phát xít quấy phá, đến những năm 1950, nó mới được chiếu lại tại Tây Đức. Năm 1939, nhà văn bị tước quốc tịch Đức, bắt đầu sống lưu vong và trở thành công dân Mỹ năm 1947.


Trong những ngày sống tại kinh đô điện ảnh Hollywood, nhà văn kết bạn với nhiều ngôi sao nổi tiếng và cuối cùng, kết hôn với diễn viên Paulette Goddard năm 1958. Họ sống bên nhau tới ngày ông qua đời (25/9/1970).


Ngoài Phía Tây không có gì lạ, tên tuổi Erich Maria Remarque còn gắn liền với những cuốn tiểu thuyết như Đường về, Khải hoàn môn, Tia lửa sống, Bia mộ đen… Hầu hết các tác phẩm đều mang khuynh hướng phê phán và tố cáo xã hội mãnh liệt đồng thời miêu tả sức hủy hoại kinh hoàng của chiến tranh đế quốc đối với thể chất và đời sống tinh thần của con người.
********
Cảm nghĩ của một độc giả đối với các tác phẩm của Remarque:

Người ta gắn cho Remarque một cái tên "nhà văn viết về chiến tranh" nhưng tôi không thích chút nào cả. Tôi đặt lại cho ông tên khác "người viết về tình yêu cuộc sống". Cuộc sống đem đến tình yêu, và tình yêu nuôi dưỡng con người ta sống tốt đẹp, nhưng đến một khi nào đó, toàn bộ thế giới quanh ta đổ nát hoang tàn, chính ta phải lang bạt như một con sói cô đơn lạc loài từ miền đất này đến miền đất khác, tất cả đều là những miền đất chết theo nhiều cách khác nhau, thì lúc đó, thứ để ta bấu víu vào để sinh tồn chỉ còn là tình yêu của ta cho cuộc sống. Tôi đã đọc và hiểu Remarque theo cách đó.


Theo như ý kiến của một người bạn cũ lâu rồi không gặp lại mà tôi cho rằng đúng đắn nhất, thì các tác phẩm của Remarque chia làm ba xu hướng: miêu tả trực diện chiến tranh trong "phía tây không có gì lạ, thời gian để sống và thời gian để chết", sự ám ảnh đè nặng lên cuộc sống sau chiến tranh trong "ba người bạn, bia mộ đen" và "khải hoàn môn, bản du ca cuối cùng..." nói về thân phận lưu lạc, bị xua đuổi ở khắp mọi nơi.


Có lẽ không ai viết về chiến tranh sống động và tàn khốc hơn Remarque và rất hiếm ai viết về cô đơn tuyệt vời hơn Remarque. Chính bản thân ông đã ra trận trong thế chiến thứ nhất và rồi chính phải chốn tránh khỏi đất nước của mình vì thứ "tuyên truyền vị chủng của chủ nghĩa đế quốc quân phiệt Vinhem". Trong "Phía tây không có gì lạ", những chàng thanh niên 19 tuổi chưa từng biết đến giết chóc và những tội ác trong tâm hồn bị đẩy ra khỏi ghế nhà trường lao vào cuộc chiến. Họ chém giết tơi bời mà không mảy may biết mặt mũi kẻ thù của mình phía bên kia chiến tuyến. Duy nhất chỉ có một lần gặp mặt giữa hai "kẻ thù", một anh chàng Đúc trẻ tuổi vừa rời ghế nhà trường và một người nông dân Nga chất phác và vạm vỡ. Và rồi những chàng thanh niên Đức đầy ước mơ dày dạn dần sau mỗi lần chiến đấu, bởi vì, sau một trận chiến thì chủ yếu chết là lính mới, và chết vơi đi phân nửa. Nhưng cuối cùng, thì gần như tất cả sẽ phải gục ngã trong các hào luỹ, hố bom của mặt trận Tây Âu bởi vì còn sống, họ còn phải ra trận và để bảo vệ mình, họ phải giết càng nhiều càng tốt. Một ngày đẹp trời nào đó một người lính bị chết và đài phát thanh buổi sáng hôm sau thông báo "mặt trận phía Tây không có gì lạ".


Cho đến "Thời gian để sống và thời gian để chết", sự tàn khốc của chiến tranh lại trở về chính nước Đức khi một người lính từ mặt trận trở về nhà. Sự đổ nát và sự thản nhiên một cách kỳ lạ của người dân ngay tại mảnh đất quê hương đã dập tắt hoàn toàn mọi hy vọng của Gơrebê. Và anh có một cuộc tình thoáng qua nhưng vô vọng trước khi trở lại mặt trận. Gơrebê chết thật đẹp, khi viên đạn đến với anh, anh chỉ nhận ra một đoá hoa hồng dường như đang nở và khi nhắm mắt, Gơrebê không phân biệt được đâu là cái chết và cuộc sống. Thời gian để sống chính là thời gian tiến dần đến cái chết và thời gian khi anh dần chết cũng chính là một phần thời gian để sống.


Tôi vẫn luôn tin rằng, cô đơn là một phần tự nhiên hết sức của cuộc sống chúng ta như ăn uống và hít thở không khí.... Con người ta hay cảm thấy cô đơn rõ rệt nhất khi họ vừa đánh mất hay bị tình yêu chối từ, bởi vì rằng cô đơn luôn tồn tại, con người tìm đến tình yêu để che đậy lại nó, và để cho nó được ngủ yên đằng sau những đam mê và hạnh phúc. Cô đơn là nhân bản, cô đơn là cội nguồn của tội ác và cô đơn cũng là cội nguồn của lòng nhân ái. Trong các tác phẩm của Remarque, con người bị đẩy đến nỗi cô đơn tận cùng và dường như nó là chất men cuốn hút trong các tác phẩm của ông. Mỗi nhân vật đều trơ trọi, và cô đơn quá. Họ cô đơn, không mục đích, không ý nghĩ và từng lúc, từng lúc họ lại quay trở lại với sự vô nghĩa của cuộc sống. Bác sĩ Ravic (khải hoàn môn) đã chọn sự trả thù làm cứu cánh, nhưng đến khi sự trả thù ấy được hoàn thành tốt đẹp, anh lại nhân ra sự vô nghĩa đến đáng sợ của nó. Và steiner trong "bản du ca cuối cùng", anh ta từ một con cừu non hiền lành ngây dại trở thành một con sói khôn ranh, một con sói cô đơn như thân phận những người lưu vong mà chỉ có sự sinh tồn là mục đích duy nhất. Steiner đã chia tay người yêu của mình mà không buồn phải buồn rầu nữa, bởi vì họ thừa hiểu giá trị của sinh tồn, của nỗi cô đơn đè nặng và họ chỉ nương tựa và bấu víu vào nhau như hai cánh phù du trên con đường lưu lạc.


Vì sinh tồn, họ phải tiếp tục cố gắng tìm mọi cách để sống, và tìm mọi cách để quên. Quên đi chính bản thân mình trong những giọt rượu hàng ngày và quên đi nỗi cô đơn bằng tình yêu. Tình yêu trong các tác phẩm của Remarque cũng thật đặc biệt, hầu như "ba người bạn, bia mộ đen, khải hoàn môn, bản du ca cuối cùng" đều có cốt truyện xoay xung quanh tình yêu của nhân vật chính. Đấy là tình yêu với một cô gái bị bệnh điên trong "ba người bạn", hay tình yêu của Ravic khi anh biết rằng cô gái của anh còn một người đàn ông nữa chu cấp cho cô ta cuộc sống. Cho dù thế này hay thế khác thì vẫn cứ là tình yêu, nó sáng lên cùng với những nỗi buồn trong suốt như pha lê, tình yêu êm ái và luôn có một cái gì đó hụt hẫng, bởi vì tình yêu trong tác phẩm của Remarque mong manh quá đỗi. Đối mặt với bi kịch, tình yêu mong manh ấy không thể chịu đựng được và rồi nó gẫy gục trước số phận, từng lúc từng lúc, con người lại bị kéo về đối mặt với nỗi cô đơn của mình.


Remarque đã may mắn được trở về sau cuộc chiến, để mà lại phải đối mặt với cuộc chiến thứ 2 và dấn thân vào cuộc sống lưu vong khắp châu Âu, để mà cầm bút viết về một "thế hệ bị đánh mất" như lời ông nói. Thế hệ ấy từng lớp, từng lớp người bị ngã gục dưới làn đạn, và ngay cả khi đã trở về, chiến tranh vẫn găm những vết thương vào tâm hồn và sự sinh tồn chỉ còn là mục đích duy nhất để cho họ sống. Và chỉ có Remarque mới viết nhiều về niềm yêu cuộc sống đấy khát khao như thế, yêu cuộc sống cả khi cuộc sống khó khăn hay chẳng còn gì cả, yêu cuộc sống bởi vì đó là cuộc sống.


Phần nào đấy, Remarque chịu ảnh hưởng khá nhiều của Hemingway với cái cảm thức lạc lõng và vô nghĩa trước cuộc sống. Tác phẩm "Ba người bạn" có phần nào có dấu ấn của "Giã từ vũ khí ". Tuy nhiên nếu Hemingway có văn phong khô, gọn, cô đọng theo kiểu điện tín, thì giọng văn của Remarque mềm mại, hài hưóc,mang nhiều chất thơ và những miêu tả tinh tế đến mức không thể thật hơn trong những cử chỉ của từng nhân vật.


Nếu một nhà văn lớn là nhà văn tạo ra các tác phẩm mà sau khi đọc xong, con người cảm thấy tin yêu cuộc sống và phải sống nhân ái hơn, thì tôi tin Remarque đúng là một nhà văn lớn.
Nguồn:Internet