Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Mối tình ly kỳ giữa danh họa và nguyên mẫu

 Không có gì khó khăn để lý giải vì sao hình ảnh người phụ nữ lại hiện hữu trong vô số những bức họa nổi tiếng. Tuy nhiên, ẩn chứa đằng sau những vẻ đẹp mong manh dễ vỡ đó lại là một chuỗi uẩn khúc về tình yêu, sự khao khát và dâng hiến giữa họa sỹ và những cô người mẫu gợi tình.

Từ người mẫu khỏa thân trở thành vợ danh họa

Éduard Manet là một danh họa của nước Pháp và thế giới thế kỷ XIX. Một trong những bức tranh đã ghi dấu cuộc đời của danh họa tài năng này có tên “Sự kinh ngạc của nữ thần” được Éduard Manet hoàn thành vào năm 1861. Với mong muốn vẽ được những bức tranh chân thực hơn đối với đời sống con người, họa sỹ này đã vẽ chân dung của một thiếu nữ có tên Suzanne hoàn toàn...  khỏa thân. Đây được coi là sự liều lĩnh của Éduard Manet vì tại thời điểm đó những bức tranh dạng không mảnh vải che thân kiểu này sẽ bị người đời thóa mạ là “đê tiện và  tục tĩu”.
Bức tranh “Sự kinh ngạc của nữ thần” của Éduard Manet

Bức tranh “Sự kinh ngạc của nữ thần” thể hiện được vẻ đẹp quyến rũ và đầy nhục cảm của thân thể người phụ nữ. Người mẫu Suzanne năm đó mới 20 tuổi cầm trên tay một chiếc khăn voan mỏng nhằm che đi một phần cơ thể nhưng cũng đủ làm người cầm cọ khi đó là Éduard Manet phải ngây ngất và choáng váng vì vẻ đẹp quá gợi tình của cô .

Trong cuộc đời họa sĩ  của mình, đã bao lần É. Manet nhìn người mẫu khỏa thân, nhưng lần này, thân thể của Suzanne làm cuộn lên trong lòng Manet nỗi khát khao trình bày được hết những vẻ đẹp sinh vật trên một cơ thể huy hoàng. Vì không cưỡng nổi sự trẻ trung và quyễn rũ của cô người mẫu Suzanne, nên sau khi bức tranh “Sự kinh ngạc của nữ thần” hoàn thành, hai con người này cũng đã nhanh chóng “cuốn” vào nhau như hai thỏi nam châm trái cực.

Mối tình của Eduard Manet và Suzanne kéo dài được 10 năm và người phụ nữ gợi tình này cũng sinh hạ được cho danh họa một cậu con trai kháu khỉnh. Tuy nhiên, trong các tác phẩm sau này của mình, Suzanne không còn một lần nào làm người mẫu cho chồng vẽ. Lý do mà bà đưa ra là bởi sức nặng của tuổi tác và thân hình ngày càng béo phì nên không tự tin để khỏa thân làm mẫu trước mặt chồng.

Những người tình của Picasso

“Phụ nữ là những cỗ máy gây đau khổ. Đối với tôi chỉ có hai loại phụ nữ: hoặc là nữ thần, hoặc là thảm chùi chân”, danh họa bậc thầy của thế giới Picasso từng nói như vậy với người tình Francoise Gilot- một người mẫu trong các tác phẩm của ông vào năm 1943.
Bức họa “Người đàn bà khoả thân trên ghế bành đỏ" của Picasso

Picasso cũng được coi là danh họa khá đào hoa với các người đẹp trong nguyên mẫu của mình. Có thể kể, Fernande Olivier là mối tình lớn đầu tiên của Picasso, người mà ông gặp hồi năm 1904. Tuy vừa lười vừa cẩu thả, nhưng lại năng nổ và độc lập nên người đàn bà đẹp như tượng này đã trở thành người mẫu trong nhiều tác phẩm Thời kỳ Hồng của danh họa. Đối với chàng trai trẻ Picasso mới tới Paris 2 năm và chỉ có trải nghiệm cùng những phụ nữ ngoan đạo hoặc gái làm tiền khi ấy thì người đẹp cấp tiến này là một thách thức. Năm 1906, Olivier cùng ông tới ngôi làng Gosol. Ấn tượng về kiến trúc lập thể truyền thống ở nơi đây và ngoại hình đầy nhục cảm của người tình đã truyền cảm hứng để Picasso cho ra đời những bức tranh có ảnh hưởng vào loại lớn nhất thế kỷ 20.

Trong những năm tháng sau này của mình khi chia tay Fernande Olivier, người đàn bà gây cảm hứng quyến rũ nhất đối với Picasso là Marie Therese Walter, một thiếu nữ đẹp và hiền lành mà ông thích biểu dương hình thể nở nang của nàng. Marie Therese Walter có mái tóc vàng và ngoại hình khỏe khoắn, nhưng hoàn toàn không quan tâm đến nghệ thuật. Vì thế Walter đã trở nên bất tử trong những hình ảnh đầy nhục cảm của Picasso.

Những bức tranh do Marie Therese “gợi hứng” có vẻ đẹp dựa trên sự thanh thản sâu sắc. Trong bức họa “Người đàn bà khoả thân trên ghế bành đỏ" , Marie Therese Walter hiện lên với vẻ đẹp yêu kiều, ngọt ngào nhưng vô cùng gợi tình. Picasso đã phát hiện rất tài tình những đường nét tròn trĩnh, nảy nở trên thân hình của một cô thiếu nữ 17 tuổi khi họ mới gặp nhau. Nhưng cũng chỉ một năm sau ngày kết hôn, Picasso bắt đầu thay lòng đổi dạ với những bóng hổng khác. Vì thế Marie Therese Walter đã treo cổ tự vẫn năm 1977 sau khi sinh hạ cho danh họa này một cô con gái. 

Ngay cả lúc về già và được người vợ thứ hai là Dora Maar chăm sóc thương yêu,  Picasso cũng biến người phụ nữ này thành một "khí cụ" đấu tranh lại tuổi tác. Chịu đựng rất kém sự suy giảm tình dục, danh họa này đã  tìm sự bù trừ trong khả năng hoạt động nghệ thuật phi thường của mình. Một trong những bức chân dung của Dora Maar, "Người đàn bà khóc",  Picasso đã miêu tả một vẻ độc ác không khoan nhượng của người phụ nữ nhằm trả thù cho sự “bất lực” của ông. Trong những năm cuối đời khi Picasso rời bỏ mình, bà Dora Maar đã sống ẩn dật và chết trong nghèo khó, đơn độc.

Francisco De Goya và cuộc tình trả giá bằng máu
Bức họa "Maja khỏa thân"của Francisco De Goya

"Maja khỏa thân" và "Maja mặc trang phục" là hai kiệt tác trong gia tài tranh của Francisco De Goya- danh họa Tây Ban Nha, một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ XVIII. Cả hai bức tranh đều vẽ người đàn bà mà họa sĩ si mê, tôn thờ, là dấu ấn của những tháng ngày hạnh phúc ngắn ngủi với người đàn bà đẹp nhất kinh thành Madrit, nàng Maria Cayettana, còn có tên Nữ Công tước Anber thứ 13.

Với sắc đẹp “ngàn năm có một” của mình, Maria Cayettana đã từng được mệnh danh là “Người đàn bà kiều diễm nhất Tây Ban Nha”. Đàn ông Tây Ban Nha khi đó kháo nhau rằng, không ai có thể cưỡng nổi sắc đẹp của nàng, nên quanh  Maria Cayettana  luôn có đàn ông ve vãn và mơ tưởng. Còn Goya - một họa sĩ triều đình, một Viện sĩ Viện hàn lâm tên tuổi, tính tình phóng khoáng như một hiệp sĩ, người vẽ chân dung cho nhà vua và Hoàng tộc. Hai con người này yêu nhau đã khiến cả nước Tây Ban Nha khi đó phải điên đảo.

Kể từ khi Goya gặp và yêu Maria Cayettana, cuộc đời của cả hai người gặp rất nhiều sóng gió. Tất cả là vì Maria quá đẹp, có quá nhiều người theo đuổi. Dù biết Goya đã chiếm được trái tim người đẹp, Thủ tướng của Tây Ban Nha khi đó là Đon Manuen De Godoa đã tìm mọi cách để chiếm đoạt nàng.  Đầu tiên Đon Manuen De Godoa tìm cớ để lưu đày Maria ở Solina - một vùng nông thôn hẻo lánh. Nhưng ông ta không thể ngờ, Goya dám cả gan vứt bỏ tước vị của họa sĩ triều đình để bỏ chạy theo nàng. Vị thủ tướng quyền uy này càng không thể ngờ những tháng ngày lưu đày của họ lại là những ngày họ sống trên thiên đường hạnh phúc.

Hai người hầu như quên hẳn cái thế giới thù hận bên ngoài để dâng hiến cho nhau trọn vẹn. Goya mê mải vẽ người tình, cả trong tư thế khỏa thân. Trong vô số những phác họa người tình ở mọi tư thế, có hai bức Goya tâm đắc nhất. Đó là "Maja khỏa thân" và "Maja mặc trang phục".

Cũng chính bức tranh “Maja khỏa thân” đã là cái cớ để bọn thống trị và thế lực Giáo hội quy kết, buộc tội Goya. Một trong những lý do mà họ đưa ra là vì Goya đã dám vẽ người đàn bà trần truồng – “một hành động chống lại thượng đế, chống lại con người”. Với tội danh trên, Goya bị đưa ra xét xử trước Tòa án Giáo hội. Cho đến năm 1815 triều đại của vua Ferdinand VII, Goya mới được miễn tội. Sau đó vì lý do sức khỏe ông rời Tây Ban Nha qua sống tại Bordeaux – Cộng Hòa Pháp. Còn nàng Maria Cayettana bị Thủ tướng Đon Manuen De Godoa ra tay sát hại một cách  hèn hạ.

Ngày 16/4/1828, tại Bordeaux, trái tim vĩ đại của danh họa Francisco de Goya ngừng đập. Ông từ giã cõi đời trong tình cảnh thương tâm: xa quê hương, không gia đình, không bà con thân thích, còn bản thân thì mắt mù, tai điếc, tinh thần u uất vì những khát vọng tự do, hòa bình chưa thực hiện được.
Nguon:(Nguoiduatin.vn) -
Hải Hiền (Theo Hoàn cầu)