Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

MỘT CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ GIÁO DỤC

          Tôi  là một giáo viên đã công tác trong ngành trên 30 năm, biết được qua nhiều chuyện kể và chứng kiến từ thực tế về tấm gương của những thầy cô, chỉ một câu nói động viên, một cử chỉ quan tâm đến học sinh cũng có thể thay đổi số phận của một đời người. Sau đây là một câu chuyện có thật mà tôi sưu tầm được và muốn chia sẻ với quí thầy cô như là một món quà nhỏ nhân năm học mới.
 

Câu chuyện giáo dục cảm động

Câu chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước. Lúc đó, cô Thompson đang dạy ở trường tiểu học của một thị trấn nhỏ tại Hoa Kỳ. vào ngày khai giảng năm học mới, cô đứng trước những em học sinh lớp 5, nhìn cả lớp và nói cô sẽ yêu thương tất cả các học sinh như nhau. Nhưng thực ra cô biết mình sẽ không làm được điều đó bởi cô đã nhìn thấy cậu học sinh Teddy Stoddard ngồi lù lù ngay bàn đầu. Năm ngoái cô đã từng biết Teddy và thấy cậu bé chơi không đẹp với bạn bè, quần áo thì lôi thôi lếch thếch, còn người ngợm thì lại quá bẩn thỉu. "Teddy trông thật khó ưa".
Chẳng những thế, cô thompson còn dùng cây bút đỏ vạch một chữ thập rõ đậm vào hồ sơ cá nhân của Teddy và ghi chữ F đỏ chói ngay phía ngoài (chữ F là hạng kém). Ở trường này, vào đầu năm học mỗi giáo viên đều phải xem thành tích học tập của từng học sinh trong lớp mình chủ nhiệm.
Cô Thompson đã nhét hồ sơ cá nhân của Teddy đến cuối cùng mới mở ra xem, và cô rất ngạc nhiên về những điều đọc được. Cô giáo chủ nhiệm lớp 1 đã nhận xét Teddy như sau: "Teddy là một đứa trẻ thông minh và luôn vui vẻ. Học giỏi và chăm ngoan... Em là nguồn vui cho người chung quanh". Cô giáo lớp 2 nhận xét: "Teddy là một học sinh xuất sắc, được bạn bè yêu quý nhưng có chút vấn đề vì mẹ em ốm nặng và cuộc sống gia đình thật sự là một cuộc chiến đấu". Giáo viên lớp 3 ghi: "Cái chết của người mẹ đã tác động mạnh đến Teddy. Em đã cố gắng học, nhưng cha em không mấy quan tâm đến con cái và đời sống gia đình sẽ ảnh hưởng đến em nếu em không được giúp đỡ".
Giáo viên chủ nhiệm lớp 5 nhận xét: "Teddy tỏ ra lãnh đạm và không tỏ ra thích thú trong học tập. Em không có nhiều bạn và thỉnh thoảng ngủ gục trong lớp".
Đọc đến đây, cô Thompson chợt hiểu ra vấn đề và cảm thấy tự hổ thẹn. Cô còn thấy áy náy hơn khi đến lễ Giáng sinh, tất cả học sinh trong lớp đem tặng cô những món quà gói giấy màu và gắn nơ thật đẹp, ngoại trừ món quà của Teddy. Em đem tặng cô một gói quà bọc vụng về bằng loại giấy gói hàng nâu xỉn mà em tận dụng lại từ loại túi giấy gói hàng của tiệm tạp hóa. Cô Thompson cảm thấy đau lòng khi mở gói quà ấy ra trước mặt cả lớp. Một vài học sinh đã bật cười khi thấy cô giơ lên chiếc vòng giả kim cương cũ đã sút mất vài hột đá và một chai nước hoa chỉ còn lại một ít. Nhưng cô đã dập tắt những tiếng cười nhạo kia khi cô khen chiếc vòng đẹp, đeo nó vào tay và xịt một ít nước hoa trong chai lên cổ tay. Hôm đó Teddy đã nán lại cho đến cuối giờ để nói với cô: "Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa". Sau khi đứa bé ra về, cô Thompson đã ngồi khóc cả giờ đồng hồ. Và chính từ hôm đó, ngoài dạy học cô còn lưu tâm chăm sóc cho Teddy hơn trước. Mỗi khi cô đến bàn em để hướng dẫn thêm, tinh thần Teddy dường như phấn chấn hẳn lên. Cô càng động viên em càng tiến bộ nhanh. Vào cuối năm học, Teddy đã trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Và trái với phát biểu của mình vào đầu năm học, cô đã không yêu thương mọi học sinh như nhau. Teddy là học trò cưng nhất của cô.
Một năm sau, cô tìm thấy một mẩu giấy nhét qua khe cửa. Teddy viết: "Cô là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em". Sáu năm sau, cô lại nhận được một bức thư ngắn từ Teddy. Cậu cho biết đã tốt nghiệp trung học, đứng hạng ba trong lớp và "Cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất trong đời em". Bốn năm sau, cô lại nhận được một lá thư nữa. Teddy cho biết dù hoàn cảnh rất khó khăn khiến cho cậu có lúc cảm thấy bế tắc, cậu vẫn quyết tốt nghiệp đại học với hạng xuất sắc nhất, nhưng "Cô vẫn luôn là cô giáo tuyệt vời mà em yêu quý nhất trong đời". Rồi bốn năm sau nữa cô nhận được bức thư trong đó Teddy báo tin cho biết cậu đã đậu tiến sĩ và quyết định học thêm lên. "Cô vẫn là người thầy tuyệt nhất của đời em", nhưng lúc này tên cậu đã dài hơn. Bức thư ký tên Theodore F. Stoddard - giáo sư tiến sĩ.
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây. Một bức thư nữa được gửi đến nhà cô Thompson. Teddy kể cậu đã gặp một cô gái và cậu sẽ cưới cô ta. Cậu giải thích vì cha cậu đã mất cách đây vài năm nên cậu mong cô Thompson sẽ đến dự lễ cưới và ngồi ở vị trí vốn thường được dành cho mẹ chú rể. Và bạn thử đoán xem việc gì đã xảy ra? Ngày đó, cô đeo chiếc vòng kim cương giả bị rớt hột mà Teddy đã tặng cô năm xưa, xức thứ nước hoa mà Teddy nói mẹ cậu đã dùng vào kỳ Giáng sinh cuối cùng trước lúc bà mất. Họ ôm nhau mừng rỡ và giáo sư Stoddard thì thầm vào tai cô Thompson: "Cám ơn cô đã tin tưởng em. Cám ơn cô rất nhiều vì đã làm cho em cảm thấy mình quan trọng và cho em niềm tin rằng mình sẽ tiến bộ". Cô Thompson vừa khóc vừa nói nhỏ với cậu: "Teddy, em nói sai rồi. Chính em mới là người đã dạy cô rằng cô có thể sống khác đi. Cô chưa từng biết dạy học cho tới khi cô được gặp em".
Nguồn: ongoikitohuu.com





Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Wolfgang Amadeus Mozart

W. A. Mozart, chân dung vào năm 1819 do Barbara Krafft vẽ


Wolfgang Amadeus Mozart sinh ngày 27 tháng giêng, 1756, tại Salzburg, Thánh chế La Mã (nay Áo). Leopold Mozart, một nhạc sĩ violin và cũng là một giáo viên, đã đích thân giáo dục con trai của ông. Wolfgang không phải cắp sách đến trường; thay vào đó cậu được học tại nhà với cha và chị gái của cậu. Âm nhạc là môn học chính. Tuy nhiên, cậu bé Mozart vẫn được học toán, môn học cậu rất thích, và các môn khác như La tinh, tiếng Pháp, tiếng Ý và một ít tiếng Anh. Cậu cũng đọc rất nhiều văn học kịch nghệ, đó là chất liệu mà cậu sẽ dùng để viết opera sau này.
 Wolfgang không thích chơi những trò chơi trẻ con bình thường, trừ phi có liên quan tới âm nhạc. Nhờ sự chăm lo dạy dỗ của người cha, vốn là một nhạc sĩ nổi tiếng của thành Viên, đến năm 3 tuổi đã nghe hiểu được âm nhạc, 4 tuổi đánh được đàn dương cầm cổ và organ. Cậu bắt đầu soạn nhạc cho đàn phím từ lúc năm tuổi, viết những bản nhạc hòa tấu khi cậu lên sáu. Những bản sonata cho violin được xuất bản khi cậu lên tám. Thật ra có thể nói rằng Mozart đã khởi đầu sự nghiệp âm nhạc trước thời gian cậu lên năm và theo đuổi cho đến ngày qua đời, ngót ba mươi năm âm nhạc.
Mozart có ký ức chi tiết âm nhạc phi thường, ông có thể hợp nhất tinh hoa âm nhạc khác nhau của quốc gia này với quốc gia khác vào trong tác phẩm của mình. Tại Luân Đôn, Mozart gặp Johann Christian Bach, con trai của nhạc sĩ vĩ đại Johann Sebastian Bach, Christian bị gây ấn tượng, đã trở thành người dẫn dắt nhạc sĩ Mozart trẻ và quan tâm theo dõi sự nghiệp của cậu. Trở về nước, Mozart nghiên cứu tổng phổ âm nhạc của J. C. Bach, và ảnh hưởng của Bach được thể hiện trong tác phẩm của Mozart vào thời gian ấy.
Mười năm cuối đời của Mozart là một thời kỳ dài của cả sự đau khổ do tài chính kiệt quệ, lẫn sức mạnh sáng tạo khác thường. Ba bản symphony cuối cùng, được viết trong vòng sáu tuần lễ vào năm 1788 đã không bao giờ được trình tấu lúc sinh thời của ông. Tổng cộng, những năm này ông đã sáng tác những hơn hai trăm tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau.

Ông mất ngày 4 tháng 12 năm 1791. Hôm sau, bạn bè đến tham dự tang lễ ngoài trời; Constanze ( vơ của ông) không đủ sức để có mặt. Sau đó, giữa một cơn bão tuyết dữ dội, thi hài được chuyên chở không có người đưa tiễn tới một đất thánh bên ngoài cổng thành phố. Gia đình Mozart vì khó khăn đã đưa thi hài chôn trong một nghĩa trang công cộng của người nghèo để Mozart yên giấc ngàn thu. Ở đó, mộ chôn chi chít và cho đến ngày nay người ta vẫn chưa xác định được mộ ông chôn ở chỗ nào.



Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

SUY GẪM

img2

           Khổng Tử (551-479 trước Công nguyên) đã từng nói, “Hoa lan mọc trong rừng, tỏa hương thơm ngay cả khi không có ai xung quanh thưởng thức. Tương tự như vậy, người có nhân cách cao quý sẽ không để cảnh nghèo làm nhụt chí tu Đạo và xây dựng uy đức.”
          Người quân tử luôn hiểu chân nghĩa của cuộc đời. Dù trong hoàn cảnh nào, họ luôn tôn trọng các chuẩn mực đạo đức trong việc làm và tự kiểm soát bản thân bằng cách tuân theo những lời dạy của các bậc thánh hiền. Bất cứ nơi nào họ đến, họ đều lan tỏa lòng tốt và sự ảnh hưởng đến những người mà họ tiếp xúc, để người ta tôn thờ đạo đức và công lý. Hiệu quả và sự ảnh hưởng của những lời dạy ấy đã khắc họa rõ phẩm chất đạo đức của họ. Sau đây là một vài câu chuyện về Khổng Tử và các học trò đã được ghi lại trong 2 cuốn sách “Luận ngữ”“Khổng Tử gia ngữ”.


TRANH LUẬN ĐỂ LÀM GÌ ?


*Khổng Tử nói rằng: "kẻ tiểu nhân tranh luận nhằm giành thắng thua, người quân tử tranh luận nhắm tìm ra chân lý".
Đức Khổng Tử nói về phẩm hạnh quân tử:
Người quân tử nói bằng hành động
          Có một lần, Nhan Hồi hỏi thầy của mình là Khổng Tử: “Lời nói của phường tiểu nhân có những điểm gì chung? Là người quân tử, cần phải hiểu cho rõ.”
          Khổng Tử đáp:
         “Một người quân tử nói bằng hành động. Trong tất cả lời nói và việc làm, người ấy đều thực hiện theo những chuẩn mực mà thánh nhân đã dạy. Một kẻ tiểu nhân chỉ giỏi nói miệng mà thôi. Kẻ ấy chỉ giỏi đòi hỏi và tìm lỗi của người khác, trong khi lại chẳng đóng góp gì. Một người quân tử đối nhân xử thế bằng sự chân thành. Khi nhìn thấy bạn bè của mình vi phạm đạo đức, người đó sẽ cảnh báo những hậu quả mà bạn mình phải gánh chịu và khuyên bạn hành động theo lương tâm. Lời nói của họ là phát xuất từ trong tâm bởi vì họ thực sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác. Kết quả là tình bạn sẽ ngày càng sâu sắc hơn. Kẻ tiểu nhân thì lại thường kết thành bè đảng để gây rối. Tuy nhiên, chúng không thể không đổ lỗi và đâm sau lưng nhau.”
          Khổng Tử cũng giảng:
          “Quân tử nghĩ về đức hạnh, tiểu nhân truy cầu hưởng thụ.
            Quân tử nghĩ về đạo lý; tiểu nhân truy cầu những đặc ân mà hắn có thể kiếm được.”
          Điều này đã nói rõ những điểm khác nhau trong tâm của hai loại người. Người quân tử không xuôi theo dòng nước, huống hồ là thông đồng làm điều bất chính. Tất cả những gì họ nghĩ đến là làm thế nào để thực hành đạo nghĩa. Còn kẻ tiểu nhân thì lúc nào cũng chỉ lo nghĩ cho bản thân. Người quân tử tôn trọng phép tắc và quy củ. Kẻ tiểu nhân luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên hết thảy mọi thứ, và tâm kẻ ấy chứa đầy những món lợi nhỏ nhen. Điều này đã được đề cập đến trong cuốn “Đệ tử quy” (“Chuẩn mực của người học trò”), viết vào thời nhà Thanh (1644 – 1912), “Nhắc nhở người khác bằng lòng tốt; đức hạnh vẹn toàn cả đôi bề; Tìm bới sai lầm của người khác; chắc chắn mất lòng cả đôi bên.” Đây là một ví dụ nữa về sự khác nhau giữa hành động của kẻ tiểu nhân với người quân tử.
          Lời nói và hành động của một người đều dựa trên những suy nghĩ của người đó. Một người quân tử luôn nuôi dưỡng những suy nghĩ tốt đẹp và lẽ phải. Lời nói và hành vi của người đó là kết tinh của tình thương, lòng tốt, và sự vị tha. Ở những nơi nào người quân tử đến, những suy nghĩ tinh khiết, tốt đẹp của họ sẽ lan tỏa ra những người xung quanh, thức tỉnh lương tâm của mọi người và trồng những hạt giống của sự chính trực và lòng nhân ái.

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

MARTIN LUTHER KING


Nhung nguoi My goc Phi lam nen su nghiep va lung danh tren the gioi ve moi linh vuc:
Martin Luther King, Jr. (viết tắt MLK; 15 tháng 1 năm 1929 – 4 tháng 4 năm 1968) là mục sư Baptist, nhà hoạt động dân quyền Mỹ gốc Phi, và là người đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1964. Ông là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động. King được nhiều người trên khắp thế giới ngưỡng mộ như một anh hùng, nhà kiến tạo hoà bình và thánh tử đạo.
King dẫn dắt cuộc tẩy chay xe buýt diễn ra ở Montgomery (1955-1956), và giúp thành lập Hội nghị Lãnh đạo Cơ Đốc miền Nam (1957), trở thành chủ tịch đầu tiên của tổ chức này. Năm 1963, King tổ chức cuộc tuần hành tại Washington, và đọc bài diễn văn nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ” trước hàng ngàn người tụ tập về đây. Ồng nâng cao nhận thức của công chúng về phong trào dân quyền, và được nhìn nhận là một trong những nhà hùng biện vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Năm 1964, King là nhân vật trẻ tuổi nhất được chọn để nhận Giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc qua biện pháp bất tuân dân sự, và các phương tiện bất bạo động khác.
Ngày 4 tháng 4 năm 1968, King bị ám sát tại Memphis, Tennessee. Năm 1977, Tổng thống Jimmy Carter truy tặng King Huân chương Tự do của Tổng thống. Đến năm 1986, ngày Martin Luther King, Jr. được công nhận là quốc lễ. Năm 2004, ông được truy tặng Huân chương vàng Quốc hội.
Tôi có một giấc mơ (I Have a Dream) là tên phổ biến của bài diễn văn nổi tiếng nhất của Martin Luther King, Jr., khi ông nói, với sức mạnh thuyết phục của tài hùng biện, về ước mơ của ông cho tương lai của nước Mỹ, khi người da trắng và người da đen có thể sống chung hoà thuận như những con người bình đẳng. Ngày 28 tháng 8 năm 1963, King đọc bài diễn văn này từ những bậc thềm của Đài Tưởng niệm Lincoln trong cuộc Tuần hành đến Washington vì Việc làm và Tự do. Ấy là thời điểm quyết định cho Phong trào Dân quyền Mỹ. Bài diễn văn, theo giới học giả về thuật hùng biện, là một trong những bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử và là bài diễn văn xuất sắc nhất thế kỷ 20.
Trích dẫn:
Hôm nay, tôi sung sướng có mặt ở đây cùng các bạn trong sự kiện sẽ đi vào lịch sử chúng ta như là cuộc tuần hành vì tự do vĩ đại nhất.
Một trăm năm trước đây, một người Mỹ vĩ đại - hôm nay chúng ta đang đứng dưới bóng tượng đài của người - đã ký bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ. Văn kiện trọng đại này đã đến như ánh sáng của ngọn hải đăng dẫn soi niềm hi vọng của hàng triệu người da đen, những con người bị thiêu héo trong ngọn lửa của sự bất công. Nó đã đến như bình minh rộn rã để kết thúc đêm dài tăm tối của kiếp nô lệ.
Nhưng một trăm năm sau, người da đen vẫn chưa được tự do. Một trăm năm sau, cuộc sống của người da đen vẫn còn què quặt do gông cùm của lòng kỳ thị và xiềng xích của tinh thần phân biệt. Một trăm năm sau, người da đen vẫn sống trên hoang đảo của nghèo khó ngay giữa lòng đại dương bao la của phồn vinh vật chất. Một trăm năm sau, người da đen vẫn tàn úa trong những xó tối của xã hội Mỹ và nhận ra rằng họ chỉ là những kẻ bị lưu đày ngay trên quê hương mình. Hôm nay, chúng ta có mặt ở đây để phô bày sự ô nhục ấy.
Trong một ý nghĩa nào đó, ngày nay chúng ta gặp nhau tại thủ đô của đất nước để trả một món nợ. Khi những kiến trúc sư của nền cộng hòa viết lên những lời uy vĩ cho bản Hiến pháp và bản Tuyên ngôn Độc lập, họ đã công bố những cam kết mà chúng ta, mọi người Mỹ, là người được thừa hưởng. Lời hứa ấy nói rằng mọi người – vâng, người da đen cũng như người da trắng - cần được bảo đảm để hưởng những "quyền bất khả nhượng" là "quyền được sống, được hưởng tự do, và mưu cầu hạnh phúc"...
Nay là lúc để thực hiện lời hứa dân chủ. Nay là lúc để trỗi dậy từ thung lũng hoang tàn và tối tăm của lòng kỳ thị mà tiến tới con đường chói chang ánh mặt trời của công bằng chủng tộc. Nay là lúc để vực đất nước chúng ta khỏi vũng lầy của bất công chủng tộc mà lập nền trên vầng đá vững chãi của tình huynh đệ. Đã đến lúc biến sự công bằng thành hiện thực cho tất cả con dân của Thiên Chúa...
Hãy đến Mississippi, hãy đến Alabama, hãy đến South Carolina, hãy đến Georgia, hãy đến Louisiana, hãy đến những khu nhà ổ chuột, hãy đến những khu biệt cư tồi tàn ở phố phường phương bắc, để biết rằng chúng ta có thể và sẽ thay đổi chúng.
Tôi muốn nói với các bạn, bằng hữu của tôi. Chớ đắm mình trong thung lũng tuyệt vọng.
Và ngay cả khi phải đối đầu với vô vàn khó khăn hôm nay và ngày mai, tôi vẫn ấp ủ một giấc mơ. Ấy là một giấc mơ bắt nguồn từ giấc mơ Mỹ Quốc.
Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày khi đất nước này trỗi dậy để sống theo ý nghĩa thật của niềm xác tín của chính mình: "Chúng ta tin rằng chân lý này là đầy trọn, ấy là mọi người sinh ra đều bình đẳng".
Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày trên những ngọn đồi đất đỏ của Georgia, con của nô lệ và con của chủ nô sẽ ngồi lại với nhau bên bàn ăn của tình huynh đệ.
Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày vùng đất hoang mạc Mississippi, bức bối vì hơi nóng của bất công và áp bức, sẽ chuyển mình để trở nên ốc đảo của tự do và công bằng.
Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày bốn con nhỏ của tôi sẽ sống trong một đất nước mà chúng không còn bị đánh giá bởi màu da, mà bởi tính cách của chúng.
Hôm nay tôi có một giấc mơ...
Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày mọi thung lũng sẽ được nâng cao, mọi đồi núi sẽ bị hạ thấp, chỗ lồi lõm sẽ được ban bằng, chỗ quanh co sẽ thành ngay thẳng, và sự vinh hiển của Thiên Chúa sẽ hiển lộ để mọi loài xác thịt cùng nhau chiêm ngưỡng...
Nguyện tiếng chuông tự do vang lên từ những đỉnh đồi kỳ vĩ của New Hampshire. Nguyện tiếng chuông tự do vang lên từ những rặng núi uy nghi của New York. Nguyện tiếng chuông tự do vang lên từ các đỉnh núi Allegheny của Pennsylvania.
Nguyện tiếng chuông tự do vang lên từ đỉnh Rockies tuyết trắng của Colorado. Nguyện tiếng chuông tự do vang lên từ những sườn đồi của California...
Nguyện tiếng chuông tự do vang lên. Khi chúng vang lên, và khi chúng ta để chúng vang lên – khi chúng ta để chúng vang lên từ mọi ngôi làng, từ mọi thôn xóm, từ mọi tiểu bang và mọi thành phố, chúng ta có thể làm ngày ấy đến nhanh cho mọi con dân của Thiên Chúa - người da đen và người da trắng, người Do Thái và người ngoại bang, người Kháng Cách và người Công giáo - sẽ nắm tay nhau mà cùng hát ca từ này: "Cuối cùng đã có tự do! Cuối cùng đã có tự do! Tạ ơn Thiên Chúa Toàn năng, cuối cùng chúng ta đã được tự do!

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

SERENADE-DA KHUC CUA SCHUBERT

Hoàn cảnh sáng tác
Bài Dạ Khúc bất hủ mà Franz Schubert sáng tác là để tặng sinh nhật cho một thiếu nữ mà ông thầm yêu trộm nhớ. Ở châu Âu ngay từ thời trung cổ các chàng trai thường có lối tỏ tình bằng cách mượn âm nhạc, ban đêm đến đứng dưới cửa lầu "người đẹp" tự thể hiện bằng tiếng đàn và giọng hát của chính mình. Những bài nhạc lãng mạn này gọi là "serenade". Serenade thời Trung cổ và Phục hưng được biểu diễn không theo một hình thức đặc biệt nào, ngoại trừ nó được một người hát tự đệm bằng nhạc cụ có thể mang theo được (guitar, mandolin...).
Để làm cho nàng bất ngờ, Schubert nhờ một bạn thân là ca sỹ, trình bày ngay dưới cửa sổ nhà nàng. Tối đó, người ta bí mật khiêng cây đàn piano vào trong vườn, tất cả đã sẵn sàng cho buổi biểu diễn lãng mạn và độc đáo. Thế nhưng, Schubert lại quên không đến. Trớ trêu thay, cô gái lại đem lòng yêu chính chàng ca sĩ, chứ không dành trái tim cho Schubert.
Moi ban nghe qua dan nhac giao huong:


Neu ban thich nghe Piano:

 
Tập tin:Franz Schubert by Wilhelm August Rieder 1875.jpg

Franz Peter Schubert sinh ngày 31 tháng 1 năm 1797 tại Vienna, nước Áo. Bố ông, Franz Theodor Schubert, là thầy giáo nổi tiếng trong giáo khu, mẹ ông là người hầu của một gia đình giàu có trước khi lấy bố ông. Ông là một trong số 14 người con trong gia đình mà phần lớn đều chết yểu. Bố Schubert cũng là một nhạc sĩ, tuy không nổi danh nhưng là người thầy đầu tiên truyền dạy cho Schubert những hiểu biết về âm nhạc.
Schubert bắt đầu được cha dạy nhạc khi lên 5, một năm sau ông theo học trường Himmelpfortgrund và bắt đầu chính thức theo học âm nhạc. Năm 7 tuổi ông học với Michael Holzer, nhạc công organ và trường dàn đồng ca của nhà thờ địa phương.
Năm 1808 ông vào trường Stadtkonvikt với suất học bổng trong dàn đồng ca. Tại đây ông bắt đầu làm quen với các bản overture và giao hưởng của Mozart. Cùng thời gian đó ông còn thỉnh thoảng đến xem các vở opera, làm quen với các tác phẩm của các nhạc sĩ khác kém quan trọng hơn. Tất cả cá điều này tạo nên nền tảng âm nhạc vững chắc trong ông. Tại trường Stadtkonvikt ông cũng tạo dựng các mối quan hệ mà sau này sẽ cùng ông đi hết cuộc đời.
Thỉnh thoảng Schubert được giao chỉ huy dàn nhạc, Antonio Salieri, nhạc sĩ đối thủ của Mozart, cũng là nhạc sĩ hàng đầu đương thời bắt đầu chú ý đến tài năng trẻ, bỏ công đào tạo Schubert về lí thuyết âm nhạc và kĩ năng sáng tác. Thể loại nhạc thính phòng ghi dấu đặc biệt trong giai đoạn này, bản thân gia đình Schubert đã là một dàn nhạc thính phòng 5 người thường xuyên trình tấu với nhau trong các dịp lễ và các ngày chủ nhật. Trong thời gian ở Stadtkonvikt ông cũng kịp sáng tác nhiều tác phẩm thính phòng, một số ca khúc nghệ thuật, và bản giao hưởng số 1.
Cuối năm 1813, ông rời Stadtkonvikt trở về quê học làm thầy giáo. Năm 1814 ông trở thành giáo viên tại trường của bố ông. Ông cũng tiếp tục học với Salieri cho đến năm 1817.
Năm 1814, ông làm quen với Therese Grob, con của một nhà sản xuất lụa trong vùng đồng thời là một ca sĩ soprano đã trình tấu một số tác phẩm của ông như Salve Regina, Tantum Ergo, Mass in F. Mối quan hệ tình cảm cũng phát triển phức tạp và có nhiều khả năng Schubert muốn kết hôn với Grob nhưng vì nhiều lí do sự việc đã không thành. Năm 1816 ông gửi Grob một tập tác phẩm mà gia đình bà còn giữ đến đầu thế kỉ 20.
Năm 1815 là năm Schubert tập trung vào sáng tác, ông viết đến 9 tác phẩm cho nhà thờ, 140 ca khúc nghệ thuật (lieder), một bản giao hưởng.