Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Hoa hồng cho Emily (Rose for Emily) - William Faulkner

Tác giả
 William Harrison Faulkner (1897-1962)
Sinh ra trong một gia đình miền Nam lâu đời, lớn lên ở Oxford bang Mississippi - nơi  ông sống phần lớn cuộc đời và ảnh hưởng lớn đến sáng tác.
Là con cả trong một gia đình danh giá sa sút, thời niên thiếu sống chật vật.
Tình nguyện tham gia vào quân đội nhưng không được vì thân hình nhỏ bé, ghi tên vào Học viện không quân ở Toronto, Canada
Mấy tháng sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc, W. Faulkner vào học ban ngôn ngữ Châu Âu tại trường Đại học Tổng hợp Oxford (bang Missisippi); một năm sau ông bỏ học
Năm 1929, Sartoris – cuốn đầu tiên trong số 15 tiểu thuyết có bối cảnh là miền đất Yoknapatawpha – bước đầu mang lại danh tiếng cho ông.Đây là vùng đất hư cấu do nhà văn tạo nên, cùng với nó là những dòng họ có  quan hệ đan xen kéo dài nhiều thế hệ.
 W. Faulkner nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết, bên cạnh đó ông  viết nhiều kịch và truyện ngắn. Nhiều tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Pháp và được giới văn chương Châu Âu đánh giá cao
 Năm 1949, Faulkner  được trao giải Nobel.

Tác phẩm chính:
 Tiểu thuyết:  “Âm thanh và cuồng nộ” (The Sound and the Fury, 1929) ), “Khi tôi lâm chung” (As I lay dying, 1930)  là hai tiểu thuyết xuất sắc nhất của Faulkner, viết về nhân sinh quan và tiếng nói của những gia đình miền Nam nước Mỹ đau đớn với nỗi đau mất người thân.
 “Ánh sáng tháng Tám” (Light in August, 1931) viết về những quan hệ phức tạp và tàn bạo giữa một người đàn bà da trắng và một người đàn ông da đen.
“Absalom, Absalom!” là sự vươn lên của một người chủ trang trại mang ý hướng tự lập và sự sụp đổ bi đát của anh do thành kiến chủng tộc và đổ vỡ trong tình yêu. Có nhiều ý kiến cho rằng đây là tác phẩm hay nhất của ông.
Ngoài ra ông còn viết một số tiểu thuyết : “Lễ cầu hồn cho một nữ tu” (Requiem for a nun, 1952), “Quân kẻ cướp” (The reivers, 1962), “Thần điền dã cẩm thạch” (The marble faun, 1924), Sartoris (1929, “Thánh đường” (Sanctuary, 1931)
Truyện ngắn: “Bông hồng cho Emily” (Rose for Emily), “Mặt trời chiều hôm ấy”…  
Tóm tắt truyện ngắn “Bông hồng cho Emily”
Cô Emily sinh ra trong dòng họ Grierson danh giá ở thị trấn Jefferson. Đã 30 tuổi mà  vẫn chưa có chồng vì tất cả các chàng trai đến nhà  đều bị cha cô xô đuổi, khi cha cô chết đi ông chỉ để lại cho cô tài sản là ngôi nhà, từ đó cô sống trong cảnh nghèo nàn.
Mùa hè sau năm cha cô mất, mọi người ở thị trấn Jefferson thấy cô hay đi cùng với Homer Baron - một tên quản đốc người Bắc Mỹ da đen, cao to, đến thị trấn Jefferson để làm đường. Người thì thấy vui mừng cho cô, có kẻ thì thấy tội nghiệp. Một ngày kia họ thấy cô đi mua thuốc độc, ai cũng tưởng rằng cô sẽ tự sát nhưng ít lâu sau họ lại thấy cô đi sắm đồ đạc cho đám cưới, họ nghĩ rằng cô và gã Bắc Mỹ đó sẽ lấy nhau. Nhưng khi đường xá làm xong thì Homer Baron biến mất, người trong thi trấn nghĩ rằng anh ta về để chuẩn bị đám cưới. Lần cuối cùng mọi người còn trông thấy anh ta là vào buổi chiều nhá nhem tối, lão nô bộc cho hắn vào từ lối cửa bếp.
Từ dạo ấy thỉnh thoảng mọi người mới thấy Emily, thấy cô ngồi bên cửa sổ, người duy nhất ra vào căn nhà là lão nô bộc. Rồi những người ở xung quanh đó thấy khó chịu vì mùi hôi thối bốc ra từ căn nhà của cô, họ nghĩ rằng lão nô bộc không lau chùi nhà cửa sạch sẽ, hay có con chuột nào đó mà lão nô bộc đã giết vất ra sân. bốn người đàn ông trong xóm đã quyết định lẻn vào nhà cô rắc vôi bột để giảm bớt đi mùi hôi thối, khi vào đó rắc vôi mấy người đó  nhìn thấy Emily ngồi lặng im bên trong cánh cửa như một pho tượng và thế là họ lặng lẽ bỏ đi.
Mái tóc của cô giờ đây đã có màu xám sắt, mọi người thấy thương hại cho cô. Lâu lâu họ lại nhìn thấy cô từ một góc cửa sổ lầu một, tựa như một bức tượng nằm ở hốc tường, cánh cửa nhà cô cứ mãi đóng im lìm.
Rồi Emily lâm bệnh và mất đi trong ngôi nhà đầy bụi và bóng tối với duy nhất ông lão da đen lụm khụm kề bên hầu hạ. Ông lão mở cửa cho mọi người vào viếng rồi lẻn ra cửa sau đi mất không còn ai thấy ông lão nữa. Emily chết, cả thị trấn đều đến dự tang lễ của cô, họ đặt bên cô những đóa hoa. Đàn ông thì tỏ ra kính trong như chứng kiến một tượng đài sụp đổ, phụ nữ thì tò mò, hiếu kỳ về ngôi nhà. Khi cô Emily mồ yên mả đẹp mọi người mới phát hiện ra một căn phòng ở tầng trên nơi mà 40 năm qua không ai biết đến, căn phòng bụi phủ kín và bao trùm lên nó là mùi chết chóc. Căn phòng này được trang trí cho cô dâu chú dể, mọi người nhìn thấy Homer Baron giờ đây anh ta chỉ còn là một cái xác thối rữa trong bộ đồ ngủ, chẳng thể tách ra khỏi chiếc giường. Chiếc gối bên cạnh anh ta có vết lõm đầu của người đã nằm, mọi người cầm lên xem và nhận ra một sợi tóc màu bạc sắt.

 Yếu tố gothic trong truyện ngắn “Bông hồng cho Emily”
 Thời gian – Nỗi ám ảnh của quá khứ
Như chúng ta biết, Faulkner sinh ra trong một gia đình quý tộc miền Nam đặc trưng bởi những khuôn phép và sự kính tín đối với Chúa và Thanh giáo. Nền tảng Thanh giáo đã chi phối một cách mạnh mẽ đến lối sống của những người quý tộc miền Nam. Nhưng đến thời của Faulkner, nước Mỹ với cuộc cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi mọi thứ và hệ quả là thế chiến thứ nhất đã làm đảo lộn trật tự các giá trị.  Cuộc nội chiến (1861–1865), đã làm thay đổi tập quán và lối sống của người dân miền nam nước Mỹ, những gia đình quý tộc  thì vẫn luyến tiếc một thời huy hoàng của họ mà nhân vật Emily là một điển hình. Truyện ngắn “Bông hồng cho Emily” được kể  thông qua  điểm nhìn của người kể chuyện ở ngôi thứ nhất: nhân vật "chúng tôi". Đây là dòng suy nghĩ của một lớp người lớn lên sau chiến tranh với thế giới quan hoàn toàn khác hẳn với cô Êmily - nhân vật  thuộc về một lớp người của quá khứ, lỗi thời, sống cách biệt với cuộc sống hiện đại.
Cô Emily là người trước chiến tranh, luôn ôm giữ quá khứ vàng son của gia tộc. Sống giữa những thay đổi như vũ bão của thời hiện đại, nhưng Emily vẫn khư khư sống trong vỏ bọc của quá khứ.Toàn bộ tác phầm là câu chuyện của quá khứ, cái thoáng chốc trong truyện ngắn này chính là sau cái chết của Emily toàn bộ cuộc đời cô mới được lộ ra.Cô đã dùng mọi cách để giữ quá khứ của dòng họ và chống lại cái thay đổi của hiện tại, mặc cho những người bắt đóng thuế cô vẫn khước từ với lý do là dòng họ mình được miễn thuế vì có công và đến hiện tại vẫn vậy. “Cô đã thắng cha chú họ”, đó là kết quả của sự phản kháng với hiện tại của Emily, có thể nói cô mang trong mình một sức mạnh khiến mọi người phải e dè, toàn bộ sức mạnh của cô là truyền thống quý tộc, là danh dự của gia đình trong quá khứ, tất cả đều dồn  lên cho Emily. Chính quá khứ đã mang lại cho cô sự kiêu ngạo, và chính sự kiêu ngạo đó làm cô chiến thắng mọi người dù rằng chiến thắng đó rất mờ nhạt, mỏng manh và yếu ớt.
Thời gian qua đi, tất cả đều thay đổi trừ ngôi nhà của Emily.Emily tự chôn vùi bản thân mình trong ngôi nhà suốt quãng đời đến khi mất.Dù cho xã hội thay đổi,cảnh vật ở Jefferson thay đổi theo thời gian nhưng ngôi nhà của Emily vẫn sừng sững đứng ngạo nghễ chỉ còn trơ lại có nhà cô Emily vẫn ngạo nghễ vươn lên với dáng suy tàn mà đỏng đảnh giữa đám xe goòng chở bông và những trạm sơn băng, đúng là một cảnh chướng mắt giữa những cảnh chướng mắt khác”.  Giữa khu phố với biết bao biến đổi nó vẫn không chịu đổi dời. “Đây là một toà nhà bằng gỗ to lớn vuông vắn, trước kia đã có lần sơn trắng. Toà nhà đó với đường mái cong, với những chóp nhọn hoắt, với những bao lơn cuốn vòng theo đúng lối kiến trúc thanh kỳ của những năm 70, toạ lạc tại một khu phố sang trọng nhất nước kia”; đó cũng chính là bản tính của Emily, không thay đổi trứơc mọi hoàn cảnh của xã hội, cô bám víu quá khứ sống trong quá khứ để tìm niềm an ủi cho chính bản thân mình “Cô ôm giữ cái cũ và quyết giữ nó đúng như ngày xưa bởi vì cái cũ là ngọn nguồn của mọi hành động và cuộc sống của cô, nếu mất đi cái cũ thì toàn bộ sự kiêu ngạo của Emily vế quá khứ của dòng họ mình sẽ mất, và khi đó sức mạnh của cô cũng mất theo. Đó là bi kịch của nhân vật, cô lạ lẫm với cuộc sống hiện đại, không bắt kịp với nhịp điệu thay đổi nhanh chóng của nó chính vì vậy Emily trở thành nhân vật lạc lõng, khuyết tật, chỉ có cái cũ là tư tưởng của cô và ngôi nhà của cô giúp cô có thể sống. Tuy nhiên quá khứ mỏng manh không thể chống lại hiện tại là quần chúng đông đảo, điều này đã đẩy bi kịch của nhân vật lên đỉnh điểm. Thứ nhất cô không muốn tin cha cô đã chết, vì cha cô là một minh chứng của quá khứ, ông mất đi đồng nghĩa quá khứ cũng sẽ mất. Thứ hai cô mặc kệ cái chết của đại tá Satoris đã mười năm nay và vẫn giữ lệnh của đại tá là gia đình cô không phải đóng thuế. Cô gạt phăng  yêu cầu của những người có thẩm quyền và giữ lại một mệnh lệnh trong quá khứ của một người đã đi vào quá khứ.Điều đáng nói nhất là với tình yêu cô cũng biến nó thành quá khứ. Emily đầu độc người yêu đễ giữ lại nguyên vẹn tình yêu cho mình, cô giữ cái xác bên mình và sống với người chết điều đó phần nào đã thể hiện sự bất lực của nhân vật khi nhận ra cái cũ giờ đây đã rất gần với cái chết. Quá khứ vàng son của ngày xưa đã không thể nào tồn tại cùng cái hiện đại đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Emily giữ lại cái xác của người yêu, ôm ấp và cứ thế sống chung với cái chết, việc đó cũng đồng nghĩa cô cũng gần như là xác chết. cái vỏ bọc mạnh mẽ, nghiêm nghị bên ngoài không thể che lấp được cái thực tại: cuộc sống của Emily không khác gì môt người đã chết, nó hoàn toàn xa lạ với mọi người thậm chí còn là một điều bí ấn mà mọi người luôn muốn tìm hiểu và khám phá.
Tác phẩm “Bông hồng cho Emily” với quá khứ lẽ ra bị mất đi lại được níu giữ, đó là bi kịch. Cái cũ bị phê phán mỉa mai bởi những con người hiện đai nhưng thông qua đó chúng ta thấy được mọt sự dằn vặt trong cách nhìn và ứng xử giữa cái cũ và cái mới. Faulkner  thuộc về thế hệ giao thời giữa cũ và mới, giữa những giá trị đã  lỗi thời nhưng nó  đã trở thành máu thịt, thành vô thức trong tác giả. Ông không chống cái mới nhưng lại sống day dứt dằn vặt vì những giá trị này đã và đang bị đè bẹp bởi xã hội công nghiệp. Những tình tiết và cốt truyện  của Faulkner rất hợp với tâm trạng của những con người hậu chiến. Faulkner đan chủ đề về sự tha hóa và cô đơn của con người thế kỷ XX với chủ đề Miền nam nước Mỹ (hậu quả gánh nặng của chế độ nô lệ, quan hệ da trắng, da đen, sự bất lực của quý tộc không đáp ứng nỗi những đòi hỏi của cuộc sống hiện đại) và có lẽ cô Êmily cũng là một trong những trường hợp như vậy.
Mỗi tác phẩm của William Faulkner, mỗi nhân vật, đặc biệt là các nhân vật chính đều nhìn thế giới dứơi nhãn quan buồn thảm, dường như họ đang khóc cho thân phận cô đơn, lạc lõng và xa lạ trong thế giới thực: một thế giới không ngừng biến chuyển mà dường như không có sự tồn tại  của chính họ.Và khi đó sự có mặt của thời gian là yếu tố đáng lo ngại nhất đối với họ. Nhân vật Quentin trong “Âm thanh và cuồng nộ luôn bị cái đồng hồ ám ảnh, từ hình ảnh chiếc đồng hồ, anh ta luôn suy nghĩ về cuộc đời và con người mà chủ yếu là tập trung lý giải về sự tồn tại và ý nghĩa của sự tồn tại mỗi ngừơi và cái đồng hồ đựơc xem là  “cái lăng mộ của mọi hy vọng và ước muốn”. Thời gian đối với Emily có thể nói là một địa ngục bị giam cầm, ngay cả khi Emily xuất hiện cô vẫn mang tính chất của con người thời gian “Lúc đó họ nghe tích tắc của cái đồng hồ khuất nẻo nơi đầu sợi dây chuyền vàng của cô.”
Trong “Bông hồng cho Emily” truyện ngắn được xem là hình ảnh thu nhỏ của  tiểu thuyết Gothic,William Faulkner  đã vận dụng những lý thuyết của chủ nghĩa hiện đại vào tác phẩm thông qua ám ảnh thời gian và thời gian đồng hiện.
Thời gian được tái hiện qua diễn biến tâm trạng của nhân vật Emily: quá khứ - hiện tại, những suy nghĩ cho tương lai đều được đặt trong hiện tại. Đã ngoài 30 tuổi, vẫn chưa có chồng, bị ảnh hưởng bởi tư tưởng dòng họ vốn có truyền thống về giáo dục lễ nghi sự cô đơn đã làm cho Emily già dần cùng với thời gian khi mái tóc của ngày càng chuyển sang màu xám sắt. Có những lúc ngừơi ta bắt gặp cô đứng tựa cửa như ngừơi vô hồn: “ Khi họ trở ra, cũng lại băng qua sân cỏ, thì thấy một khung cửa sổ lúc trước tối, bây giờ có ánh sáng, và họ thấy cô Emily ngồi đó trước ánh dèn, cô ngồi thẳng im lìm như một pho tượng. Họ lặng lẽ bò qua sân cỏ, lẩn vào bóng những hàng cây dạ hợp trồng dọc theo hè phố.”
Nếu như Quentin trong “Âm thanh và cuồng nộ” yêu quá khứ, và yêu tất cả những gì thuộc về quá khứ, chết cũng là quá khứ, vì thế anh ta tìm đến cái chết để mãi mãi thuộc về quá khứ. Điều này gần giống với bi kịch của cô Emily khi cô ta không công nhận cái chết của bố mình và đầu độc người yêu để cho tất cả thành quá khứ, hiện tại của họ là hiện tại của quá khứ và cũng đồng nghĩa với cái chết.Trong một căn nhà lạnh giá, thiếu tình thương yêu, Emily là người cô độc, đó là bi kịch của một kẻ xa lạ: xa lạ cả trong cuộc đời, trong gia đình và ngay cả trong bản thân.Thời gian dưới nhãn quan của Emily đó là những khoảnh khắc chậm với bao hình ảnh bi quan về đời người mà cuộc sống dường như chỉ là sự tồn tại của đau khổ, cô luôn gắng níu kéo thời gian, sợ mọi thứ đi qua.“Người ta thấy hình như thân gã có một lúc nằm với dáng điệu ôm ấp, nhưng rồi giấc ngủ dài, dài vượt tình yêu, giấc ngủ dài đã chinh phục được sự đỏng đảnh của tình yêu, đã lừa gạt được y”
Cuộc sống con người trôi qua một cách vô vị theo thời gian mà bản thân các nhân vật không nhận ra được: “Tội nghiệp cho Emily”.Hình ảnh bông hồng là tình yêu của Emily hay cũng chính là tình yêu của cô với quá khứ, với những giá trị đã một đi không trở lại.Chữ “cho” ( for ) cũng có nghĩa là dành tặng, đó là một sự trân trọng, gìn giữ và yêu quý quá khứ.

 Không gian – sự ảm đạm và buồn bã
Thôngthườngtrong một tác phẩm văn học, yếu tố không gian luôn là một điểm nhấn. Nó gợi mở nhiều tầng ý nghĩa khác nhau. Trong “Bông hồng cho Emilly” cũng vậy,  đó là không gian giàu sức biểu đạt, mang đậm nét không gian trong tiểu thuyết Gothic.
Trước hết, không gian được mở ra với hình ảnh ngôi nhà Cô Emilly im lìm, già nua tọa lạc gần như mất hút ở khu phố đông đúc và nhộn nhạo của các nhà máy sửa xe, nhà máy cán bông…Dường như mọi thứ đều thay đổi cho phù hợp với cuộc sống của thời đại chỉ riêng nhà Cô Emilly thì vẫn giữ nguyên đến lạc lõng. “Toà nhà đó với đường mái cong, với những chóp nhọn hoắt, với những bao lơn cuốn vòng theo đúng lối kiến trúc thanh kỳ của những năm 70, toạ lạc tại một khu phố sang trọng nhất nước kia. Nhưng rồi thì những nhà sửa xe, những nhà máy cán bông lấn dần và xoá mờ ngay cả những danh hiệu cổ kính của khu phố, chỉ còn trơ lại có nhà cô Emily vẫn ngạo nghễ vươn lên với dáng suy tàn mà đỏng đảnh giữa đám xe goòng chở bông và những trạm sơn băng, đúng là một cảnh trướng mắt giữa những cảnh trướng mắt khác”. Từ sự khác biệt bên ngoài cho đến đằng sau cánh cửa là một thứ không gian “Tối mờ mờ, có thể thấy bóng đen cầu thang ở phía trước, bụi bám ở chân tường và những đồ đạc không dùng lâu ngày… cái sân ẩm ướt có mùi khó chịu… căn phòng màu tối mà có các đồ đạc bằng da trong ảm đạm.” Không gian ngôi nhà cô Emilly ở vốn tù động nay càng chật chội, ngột ngạt hơn với thứ mùi ẩm mốc, ảm đạm bởi màu sắc. Chính không gian khác thường từ bên ngoài đến tù túng bên trong khiến ngôi nhà ấy trở nên xa lạ, thậm chí có phần ma quái, đáng sợ.
Tiếp đến, không gian gắn liền với cái cửa sổ  nhà cô Emilly. Trong tiểu thuyết Gothic, không gian cửa sổ xuất hiện nhiều lần như một biểu tượng đầy bí ẩn. Đằng sau những cửa sổ bé nhỏ là cả một thế giới âm u, đầy tội lỗi và cũng có khi đó lại là lối thoát cho các nhân vật giao lưu với thế giới bên ngoài, đặc biệt bênh vực cho những điều cấm kỵ.  Trong “Bông hồng cho Emilly” William Faulkner cho thấy khung cửa sổ luôn là tâm điểm gây sự tò mò cho người dân vùng Jefferson, vì người ta chỉ trông thấy cô Emilly xuất hiện đằng sau cánh cửa sổ. Cụ thể “Cánh cổng nhà cô vẫn đóng chặt nhưng họ vẫn thấy lâu lâu cô đứng ở của sổ”. Nếu xét điểm nhìn từ phía ngoài nhìn vào ngôi nhà cô Emilly thì không gian mở ra chỉ có cánh cửa sổ bé nhỏ mà cô hay ngồi làm cho ngôi nhà trở nên chật chội, heo hút, mơ hồ và bí ẩn. Thông qua hình ảnh chiếc cửa sổ, nó gợi điều bí ẩn về cô Emilly. Đằng sau cánh cửa sổ ấy chứa tội lỗi của Emilly khi cô tự tay giết chết người mình yêu nhằm lưu giữ mãi mãi người yêu bên mình. Cô không giống con người của hiện tại mà là con người của quá khứ, sống với quá khứ vàng son của dòng họ  một thời. Ngoài ra, cánh cửa sổ còn hiện thân cho sự thoát ly ra khỏi không gian tù túng để giao lưu với thế giới bên ngoài. Thế nhưng Emilly đã không làm được điều đó bởi trong cô quá khứ dường như là tất cả, cô trói buộc mình vào thế giới riêng biệt mà ở đó chỉ có quá khứ và quá khứ mà thôi. Với văn hóa miền Nam nước Mỹ, cửa chính bao giờ cũng dùng cho việc đón tiếp trọng thể nên thường ngày vẫn đóng kín, nô lệ và người làm đi bằng lối cổng sau. Nhà cô Emilly không chỉ hiện thân cho nền văn hóa đó mà còn là ngôi nhà ma quái, bí ẩn.
Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy hình ảnh “Chiếc cổng đóng kín mít” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm. Cánh cổng vốn là lối mở để con người ta giao lưu vớithế giới bên ngoài thế nhưng trong ngôi nhà của cô Emilly thì luôn đóng kín như một sự cầm tù, tự giam hãm mình trong ngôi nhà. Chính sự cầm tù về mặt thể xác kéo theo sự cầm tù về mặt tâm hồn. Cô Emilly đóng kín cổng như tự đóng kín tâm hồn mình để rồi cô ôm khư khư quá khứ, sống bằng hoài niệm. Tách mình khỏi cuộc sống bên ngoài như thế phải chăng trong con người ấy đã mất lòng tin vào thế giới, vào cuộc sống hiện đại đang thay đổi không ngừng ở ngoài kia? Để rồi họ tự đóng kín mình trong ngôi nhà đầy ma quái như một sự cố thủ đến cô đơn, lạc lõng. Chính không gian cầm tù làm cho con người càng trở nên bí ẩn, như đang che giấu một điều gì đó bên trong mà thực tế là bên trong chứa đựng những điều ma quái, kỳ dị. 
Cuộc sống của cô Emilly được nhìn bằng con mắt tò mò của người ngoài cuộc, bởi nếu cô có đi ra ngoài thì theo sau cô là những lời xì xầm, bàn tán. Điều đó làm tăng sự cô đơn, lạc lõng đến đáng thương của  Emilly trước cuộc sống tưởng chừng như gần gũi hóa ra lại xa lạ vô cùng, thế giới mà con người ta biết đến nhau qua ánh mắt của sự tò mò, ma mãnh. Không chỉ Cô Emilly tự tách biệt với cuộc sống bên ngoài mà những con người trong thành phố ấy cũng xa lạ, cách ly với cô. Chẳng hạn như khi Cô Emilly có đi ra ngoài thì họ bàn tán xì xầm phía sau, khi phát hiện nhà Cô có mùi thối thì họ có những hàng động cũng kỳ quặc chẳng kém “Lúc quá nửa đêm, bốn người đàn ông băng qua sân cỏ nhà cô Emily, lén vào như bọn ăn trộm, họ đánh hơi dọc cái hầm nhà xây gạch, theo những cửa thông hơi phía trên hầm, đồng thời một người thọc tay vào bao tải đeo trên lưng, rồi vung tay ra đều đặn hệt như người gieo mạ. Họ đẩy cửa hầm, đi vào trong, rắc vôi bột, rắc cả những gian nhà phụ bên ngoài. Khi họ trở ra, cũng lại băng qua sân cỏ… Họ lặng lẽ bò qua sân cỏ, lẩn vào bóng những hàng cây dạ hợp trồng dọc theo hè phố”.Đúng là những hành động không giống những con người bình thường chút nào.Phải chăng những con người ấy cũng đang cầm tù chính mình bằng những suy nghĩ, hành động ma quái  khi kỳ thị người khác? Chính điều này cho ta thấy William Faulker sử dụng môtip cầm tù như biểu tượng cho thân phận của con người chứ không còn dừng lại ở chỗ miêu tả nỗi đau có tính chất cá nhân như trong môtip cầm tù của tiểu thuyết Gothic Châu Âu nữa.
 Yếu tố kỳ dị
Một trong những đặc trưng và cũng là đóng góp quan trọng về mặt nghệ thuật của tiểu thuyết Gothic là hệ thống các yếu tố kỳ dị. Việc sử dụng các yếu tố kỳ dị tạo nên không gian rất riêng của thể loại này: bí ẩn, u ám, kinh dị - thường được gọi là “bầu không khí Gothic. Được xem là “hình ảnh thu nhỏ” của tiểu thuyết Gothic, Bông hồng cho Emily có sự xuất hiện dày đặc của các yếu tố này. Yếu tố kỳ dị trong tiểu thuyết Gothic thường được gắn với sự hoang vu, một lịch sử lâu dài, các văn hóa và tôn giáo thời trung cổ. Tiểu thuyết Gothic Hoa kỳ tiếp nhận kỹ thuật xây dựng không gian của tiểu thuyết Gothic châu Âu, giữ lại màu sắc xưa cũ của bối cảnh, song đã chuyển nó vào cuộc sống hiện đại. Tương tự như vậy, việc sử dụng các yếu tố kỳ dị trong tiểu thuyết Gothic Hoa Kỳ không còn xem mục đích lớn nhất là gây tâm lý sợ hãi, ám ảnh người đọc mà giờ đây chúng chuyển tải những vấn đề nhân sinh trong cuộc sống văn minh. Thông thường, các yếu tố kỳ dị trong tiểu thuyết Gothic thường được kể đến là: bối cảnh lâu đài, không khí bí ẩn và hồi hộp, lời tiên tri cổ, điểm xấu-tưởng tượng, sự kiện siêu nhiên, cảm xúc tiêu cực ở cường độ cao, nhân vật phụ nữ là nạn nhân, nhân vật phụ nữ bị đe dọa-ép buộc, các hệ thống hình ảnh và từ vựng Gothic. Khảo sát Bông hồng cho Emily có thể thấy truyện ngắn này sự dụng đến 6/9 yếu tố kể trên.
Bối cảnh phổ biến của tiểu thuyết Gothic là một lâu đài cổ, chứa những phòng bí mật, cầu thang ẩn hoặc tối, có nhiều chỗ hư hại. Ngôi nhà của cô Emily mang đầy đủ những đặc điểm trên, với “một căn phòng ở tầng trên mà bốn mươi năm qua không ai biết đến”, “cầu thang dẫn vào một nơi tối hơn” cả đại sảnh và sự tàn phá của thời gian in dấu trên mọi vật. Chỉ có điều nó đã được đơn giản hóa dạng thức từ lâu đài sang ngôi nhà để phù hợp với không gian chung là thị trấn Jefferson-đại diện của hệ thống hành chính hiện đại. Song, sự miêu tả ngôi nhà từ đầu tác phẩm-với những mái vòm cong, những chóp nhọn và nét sừng sững bướng bỉnh thách thức sự xâm lấn của gara và xưởng dệt bông-đến những làn bụi mờ trở đi trở lại suốt thiên truyện làm người đọc có cảm giác nó không khác gì một pháo đài tách biệt với thế giới bên ngoài. Điều đó có nghĩa là Faulkner đã giữ lại tính chất quan trọng nhất của yếu tố lâu đài trong tiểu thuyết Gothic: sự khép kín và bí ẩn. Sự hiện diện ngay từ đầu và xuyên suốt tác phẩm của ngôi nhà cũ kỹ, suy tàn đã phủ một cảm giác u ám lên toàn truyện ngắn.
Ngay từ câu đầu tiên, Faulkner đã xây dựng một không khí bí ẩn khi miêu tả tính hiếu kỳ của người dân trong vùng đối với cô Emily. Ở tiểu thuyết Gothic, những điều chưa biết thường gây cảm giác sợ hãi, còn ở đây chúng chỉ gây cảm giác khó hiểu, kỳ dị. Sự tách biệt thái quá đối với cuộc sống bên ngoài ngôi nhà, thái độ của cô đối với thời gian hay vụ mất tích không giải thích được của người yêu cô Emily… tất cả khiến người dân Jefferson-cũng như người đọc dễ nghĩ rằng cô bị điên. Nhưng không chỉ vậy, đi kèm với ý nghĩ đó còn có cảm giác tò mò bởi rõ ràng Faulkner không có ý định miêu tả một trường hợp tâm thần. Người đọc có thể rùng mình với những chi tiết như mùi hôi bất thường từ nhà cô Emily, ánh mắt lạnh lẽo của cô ở tiệm thuốc độc, hay hình ảnh cô đứng sững như tượng sau khung cửa sổ hoen rỉ trong đêm tối; nhưng vẫn chưa hoảng sợ thực sự cho đến khi bí mật được hé lộ vào phút cuối. Hình ảnh cái xác thối rữa còn hằn dấu ôm ấp không chỉ gây sợ hãi mà sau đó còn mang đến cảm giác thương xót cho bị kịch của nhân vật chính: muốn níu giữ thời gian-níu giữ quá khứ bằng cái chết.
Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết Gothic là người phụ nữ u sầu, cô độc do bị bỏ rơi, và bị buộc phải làm một việc gì đó. Kiểu nhân vật này vừa gợi thương cảm vừa tô đậm không khí ảm đạm bao trùm tác phẩm. Ở truyện ngắn này, tuy người kể chuyện nói cô Emily đã thắng các nhà chức trách cũng như đã đánh bại cha ông họ trước đây, nhưng sự im lặng và những lần chống trả bắt buộc của cô làm người đọc thấy rằng cô Emily hoàn toàn yếu thế, bị bao vây bởi những phán xét của mọi người. Những lời tham phiền, yêu cầu, đề nghị của người dân Jefferson đối với cô Emily và hình ảnh ngôi nhà biệt lập rõ ràng đã thể hiện motif “bỏ tù”-motif phổ biến của văn học Gothic. Sự khác người, khó hiểu từ không gian sống đến cách giao tiếp làm cô Emily trở nên xa lạ và tách rời hẳn xã hội. Có quá nhiều thắc mắc về những gì đang diễn ra đằng sau cửa chính luôn đóng kín-đúng theo văn hóa truyền thống miền Nam Hoa Kỳ. Bởi vậy, mọi thứ liên quan đến cô Emily đều gây tò mò, bàn tán xì xầm và phỏng đoán. Giữa một thị trấn đang thay đổi với những công trình xây dựng mới, giữa một cộng đồng có tính cách chung là hiếu kỳ và hay bàn tán, cô Emily thực sự là một con người kỳ lạ, phù hợp một cách hoàn hảo với ngôi nhà biệt lập mà cô đang sống.
Không khí u ám bao trùm tác phẩm không chỉ xuất phát từ các chi tiết mà còn thể hiện ở mật độ sử dụng dày đặc các từ vựng Gothic. Hệ thống từ vựng Gothic của tiểu thuyết Gothic thường thuộc các trường nghĩa: sự bí ẩn, nỗi sợ hãi (hoặc nỗi buồn), sự bất ngờ, sự tức giận, sự rộng lớn. Như đã biết, ngôn ngữ văn chương có sức mạnh biểu cảm lớn. Hệ thống từ vựng Gothic góp phần đáng kể vào việc tạo nên bản sắc thể loại, nâng cao hiệu quả tạo không khí u ám, bí ẩn cho các chi tiết kỳ dị. (Các từ vựng Gothic được sử dụng trong Bông hồng cho Emily được thống kê trong phụ lục kèm theo.)
 Việc sử dụng các yếu tố kỳ dị trong Bông hồng cho Emily không những tạo nên không khí Gothic mà còn là một phương thức chuyển tải thông điệp nhân sinh: cái kỳ lạ, khác thường không đáng bị kỳ thị, xa lánh mà cần được thông cảm, sẻ chia.Những cái chết
Chết chóc là chi tiết không thể thiếu trong tiểu thuyết Gothic truyền thống. Ở ý nghĩa nguyên bản của thể loại, những cái chết tạo nên không khí u ám, cảm giác sợ hãi. Khi được sử dụng ở tiểu thuyết Gothic Hoa Kỳ, cái chết trở thành một biểu tượng, thể hiện những xung đột trong hai chiều thời gian: hiện tại – quá khứ. Bông hồng cho Emily cũng có những cái chết, việc tìm hiểu chúng sẽ giúp hiểu sâu thêm tác phẩm.
 Cái chết của cha cô Emily: bước đi của Định Mệnh
Cha cô Emily chết một cách tự nhiên – theo cái nhìn của người dân Jefferson. Với đặc điểm này, cái chết của ông được biết đến với tư cách một tai nạn, một rủi ro trong cuộc sống và là nguyên nhân gây ra tình trạng cô độc của cô Emily. Như đã nói ở trên, nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết Gothic là người phụ nữ bị bỏ rơi do cố ý hoặc do một tai nạn. Nếu hiểu đơn giản như vậy thì cái chết của cha cô Emily chỉ đơn giản đóng vai trò tạo bối cảnh cho tâm lý nhân vật Emily. Cần phải lưu ý rằng Faulkner là người đặc biệt chú ý đến vấn đề Định Mệnh, và đối với nhân vật Emily, sự cô độc mà cô phải chịu đựng chính là Định Mệnh của cô. Hình ảnh ngôi nhà cũ kỹ đang hư hại quanh năm đóng cửa cùng những lời bàn tán của người dân trong vùng cho thấy không gian tồn tại của cô Emily là không gian cầm tù. Từ mái ấm gia đình cho đến xã hội, tất thảy đều đồng lõa với nhau giam hãm cô về mặt tinh thần. Ở đây có mối quan hệ hai chiều: cô Emily vốn mang bản chất hướng nội; và cộng đồng hiếu kỳ, sôi nổi không chấp nhận những điều khác mình đẩy bản chất đó tới điểm mút của nó: khép kín hoàn toàn, từ chối các tác động từ bên ngoài. Định mệnh cô độc đeo đuổi cô, hiện diện trong mọi quan hệ đời sống của cô. Nếu nhìn nhận vấn đề theo hướng này, có thể coi cái chết của cha cô là một bước đi bắt buộc của số mệnh, đẩy cô đến gần hơn định mệnh đã dành sẵn cho mình. Tuy cha cô luôn xua đuổi các chàng trai đến nhà chơi, song thực sự thì cái chết của ông đã chấm dứt sự giao tiếp thông thường – hàng ngày của cô Emily. Và như người đọc được biết, “sau khi cha cô mất, cô ít khi ra ngoài”.
 Cái chết của cô Emily: sự sụp đổ của truyền thống
Giống như cái chết của cha cô, cái chết của cô được biết đến với nguyên nhân tự nhiên – cô Emily bị bệnh khá lâu trước đó. Tuy vậy, chính sự tự nhiên này gây thắc mắc. Cô Emily say mê quá khứ, tự chối hiện tại, cô độc trong không gian mục rữa của ngôi nhà. Vậy tại sao cô vẫn tiếp tục sống sau khi cha đã chết, người yêu đã mất tích? Tâm lý thông thường sẽ dẫn đến một vụ tự tử khi người ta không còn gì để lưu luyến nữa. Vậy lý do là gì? Thực ra, cô Emily chỉ quay lưng với cuộc sống hiện đại, chứ chúng ta không có bằng chứng để kết luận cô chán ghét sự sống. Dòng họ Grierson chắc hẳn đã có một quá khứ vàng son, đứng vào danh sách những dòng họ sang trọng, danh giá nhất trong vùng. Song cuộc sống càng ngày càng đổi thay và văn minh xâm lấn, làm rạn vỡ dần truyền thống. Đóng cửa chính và chỉ mở ra vào những dịp trọng đại vốn là truyền thống ở miền Nam Hoa Kỳ, vậy mà giờ đây người dân Jefferson lại thấy đó là điều lập dị, luôn muốn tìm hiểu xem cái gì đang diễn ra sau cánh cửa ấy. Cô Emily đóng cửa như một cách bảo vệ truyền thống. Cửa chính nhà cô Emily là bản lề ngăn cách hai vùng không gian: bên trong là quá khứ với sự hư hại, những đồ vật hoen rỉ, mốc meo và bụi dày đặc; bên ngoài là hiện tại đang đổi thay từng ngày với những gara và xưởng dệt bông. Cô Emily ở trong không gian quá khứ đó là đúng với tâm lý hoài cổ của cô, cô không cần phải tìm đến cái chết. Vì vậy, việc cô Emily chết là biểu hiện của một quá khứ, một truyền thống đã đến lúc sụp đổ. Người dân Jefferson khi đó coi cô là một tượng đài, thái độ ấy giống như đề cao, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc công nhận rằng quá khứ đã vĩnh viễn mất đi vì không còn ai lưu giữ nó nữa. Điều này phù hợp với quan niệm của Faulkner, ông coi sự sụp đổ của xã hội và truyền thống miền Nam là Định Mệnh.
 Cái chết của người yêu cô Emily: sự hoài tiếc quá khứ
Đây là cái chết gây sợ hãi nhất, mang đậm màu sắc Gothic nhất. Việc Homer Baron bị đầu độc không được miêu tả trực tiếp, người đọc phải xâu chuỗi nhiều chi tiết để đi đến kết luận ấy. Không phải là cái chết tự nhiên nên ý nghĩa biểu trưng của nó cần được khám phá từ bên ngoài – nguyên nhân cái chết – hơn là bản thân nó. Giết người yêu để giữ người đó mãi bên cạnh mình – đó có vẻ là một cách yêu thương quái đản. Tuy nhiên cần phải thấy rằng việc cô Emily giết Homer Baron không chỉ là cách phản ứng của cá nhân đối với cá nhân. Đó là phản ứng của cá nhân đối với cả xã hội. Homer Baron là thực thể sống động duy nhất đối với cô Emily – khi hai người yêu nhau và sau này cũng vậy. Nỗi sợ hãi về cuộc sống đang thay đổi và sự lạc lõng của chính mình làm cô Emily muốn biến tất cả thành quá khứ. Thời gian đối với mọi người là thời gian dòng chảy, còn đối với cô Emily, nó là thời gian giọt – ngưng đọng. Hành động của cô – nếu xem xét về mặt tâm lý – vừa đáng giận, vừa đáng thương. Nhưng ở tầng nghĩa triết lý của nó, là một biểu hiện của con người  hoài tiếc quá khứ.
Vượt ra khỏi mục đích giải trí thông thường trong tiểu thuyết Gothic truyền thống, cái chết trong Bông hồng cho Emily là một biểu tượng đa diện, mà mỗi mặt của nó lại đem đến sự tri nhận sâu sắc hơn về cuộc sống.