Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Jack London-Tình Yêu Cuộc sống

Tập tin:JackLondon02.jpeg

Jack London (12 tháng 1/1876- 22 tháng 11/1916nhà văn nổi tiếng người Mỹ, tác giả Tiếng gọi nơi hoang dã (The Call of the Wild), Gót sắt (Iron Heel), Martin Eden, Tình yêu cuộc sống (Love of Life), Nanh trắng (White Fang) và hơn 50 tác phẩm khác.
Ông là một người tiên phong của thể loại tạp chí thương mại đang thịnh hành lúc bấy giờ, ông là một trong những người Mỹ đầu tiên thành công về mặt tài chính từ nghề viết văn. Ở Việt Nam, một số tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Việt và được độc giả yêu thích như Gót sắt, Nhóm lửa...

Nhắc đến Jack London, người ta thường nghĩ ngay đến Tiếng gọi nơi hoang dã, thế nhưng bên cạnh kiệt tác ấy, ông còn rất nhiều tác phẩm xuất sắc khác. Tình yêu cuộc sống chính là một tác phẩm như vậy.
Tình yêu cuộc sống là tên một truyện ngắn trong tuyển tập cùng tên. Nội dung kể về cuộc đấu tranh sinh tồn giản đơn mà lại vô cùng khốc liệt. Sự sống và cái chết dường như chưa bao giờ thật đến thế, gần nhau đến thế. Một con người sắp chết đói và một con sói cũng sắp chết đói, cả hai đều muốn sống… Một nỗi khát sống mãnh liệt và trần trụi đến ngỡ ngàng.
Chẳng cần những bi kịch tinh thần sâu xa, chẳng cần những xung đột ngoại cảnh dữ dội, bản năng của con người dẫn dắt tất cả. Jack London thể hiện tài năng ở chỗ đã nắm bắt bản năng đó một cáchthật sâu sắc và miêu tả nó một cách hết sức sống động với người đọc. Tình yêu cuộc sống có lẽ là một trong những truyện ngắn ấn tượng nhất đối với cá nhân tôi.

Tình Yêu Cuộc sống


Họ hì hụi tập tễnh xuống bờ suối, và có lần gã đi đầu trong số hai người loạng choạng giữa lớp đá lởm chởm. Họ mệt, yếu lử lả và mặt họ thuỗn ra cái vẻ nhẫn nại do chịu đựng gian khổ đã lâu. Họ đeo những bó nặng bọc mềm có quai đeo vào vai. Những bọc này còn có những đai đầu quàng qua trán cho đỡ nặng. Mỗi người mang một cây súng trường. Họ bước đi trong tư thế lom khom, vai chúi hẳn về đằng trước, đầu còn nhô xa hơn, mắt cúi gằm xuống đất.
- Giá như chúng mình có hai viên đạn ở chỗ giấu của chúng mình - người thứ hai nói.
Giọng gã hoàn toàn vô cảm một cách buồn tẻ. Gã nói không một chút hào hứng; và người đi đầu trật trà trật trưỡng trong dòng suối trắng như sữa sủi bọt trên những mô đá, không buồn trả lời.
Gã kia theo sát gót hắn ta. Họ không cởi giày, tất gì hết, mặc dầu nước giá lạnh, lạnh đến nỗi đau cả mắt cá và bàn chân tê cóng. Có những chỗ, nước xô vào đầu gối họ, và cả hai chệnh choạng quờ tìm chỗ đặt chân.
Gã đi sau trượt chân trên một phiến đá nhẵn lì, suýt ngã, nhưng hết sức cố gắng gượng dậy, đồng thời ré lên một tiếng kêu đau. Gã có vẻ lả đi, chóng mặt và trong khi lảo đảo, giơ bàn tay rảnh ra như muốn níu vào không khí. Khi đứng vững rồi, gã bước tiếp nhưng lại lảo đảo và suýt ngã lần nữa. Rồi gã đứng im và nhìn người kia, tay này không ngoảnh đầu lại lấy một lần.
Gã đứng im cả một phút như bàn luận với chính mình, rồi lên tiếng gọi:
- Này Bil, mình bị trẹo mắt cá rồi.
Bil vẫn ngật ngưỡng đi qua dòng nước trắng sữa. Hắn không quay lại nhìn. Gã kia ngó theo hắn đi và tuy mặt gã vẫn đờ đẫn như trước, nhưng cặp mắt thì lại như mắt một con nai bị thương.
Người nọ tập tễnh lên bờ bên kia và tiếp tục đi thẳng không nhìn lại. Gã ở giữa dòng ngó theo. Môi gã run rẩy khiến lớp lông nâu phủ bên trên động đậy rõ rệt. Cả lưỡi gã cũng thè ra liếm môi.
- Bil ! - gã gọi to
Đó là tiếng kêu khẩn cầu của một người khoẻ mạnh trong cơn quẫn bách, nhưng Bil không ngoái đầu lại. Gã kia nhìn theo hắn đi, tập tễnh đến tức cười và loạng quạng tiến dần từng bước theo bờ dốc thoải hướng tới nét lượn mềm in lên nền trời của trái đồi thấp. Gã nhìn theo cho đến khi Bil đi qua đỉnh đồi và biến mất. Rồi gã xoay hướng nhìn và từ từ đảo mắt vòng quanh thế giới còn lại với gã giờ đây khi Bil đã đi khỏi.
Gần chân trời , vầng dương thoi thóp mờ mờ, gần như bị những đám sương mù và hơi không ra hình thù gì che khuất, gây một cảm giác về tảng khối và đậm đặc không đường nét hoặc không cụ thể. gã rút đồng hồ ra xem, dồn trọng lượng toàn thân trên một chân. Đã bốn giờ và vì đận này đã gần cuối tháng bảy hay đầu tháng tám - trong vòng một, hai tuần nay, gã không còn nhớ đích xác ngày tháng - gã biết là mặt trời lúc này ang áng chỉ hướng tây bắc. Gã nhìn về phía nam và biết răng đâu đó bên kia những trái đồi heo hút này, là Hồ Gấu Lớn; gã cũng biết rằng ở phía ấy vòng tròn bắc cực cắt ngang vùng hoang địa Canada. Con suối mà gã đang đứng giữa dòng là một nguồn tiếp nước ra sông Mỏ Đồng, sông này lại chảy theo hướng bắc đổ vào Vịnh Đăng Quang và Bắc Băng Dương. Gã chưa bao giờ tới đó, nhưng gã đã thấy nơi ấy một lần trên một tấm bản đồ của công ty Vịnh Haxđơn.
Một lần nữa, mắt gã lại đảo khắp một vong cái thế giới quanh gã. Một quang cảnh không lấy gì làm phấn khởi. Đâu đâu cũng là đường chân trời mềm mại. Các trái đồi đều thấp. Chẳng có cây to, cây nhỏ cũng chẳng có cỏ, chẳng có gì ngoài một sự tiêu điều mênh mông và ghê gớm, khiến cái sợ mau chóng nhóm lên trong mắt gã.
- Bil ! - gã thì thào, một lần rồi hai lần : - Bil !
Gã co ro giữa dòng nước trắng sữa, như thể khoảng không rộng lớn đang ép lên gã với một sức mạnh áp đảo, đè dí gã một cách thô bạo với sự uy nghi đầy tự mãn của nó. Gã bắt đầu run lên như cơn sốt, cho đến khi cây súng rơi đánh tõm khỏi tay gã . Điều đó có tác dụng khuấy động gã. Gã đấu tranh với nỗi sợ và trấn tĩnh lại, mò xuống nước nhặt cây súng lên. Gã nhích cái bọc qua về phía vai trái, để chuyển bớt một phần trọng lượng khỏi đè lên phía mắt cá bị thương. Rồi gã từ từ và thận trọng tiến vào bờ, mặt nhăn nhó vì đau.
Gã không dừng lại. Với một sự tuyệt vọng như điên, bất kể đau, gã hối hả lên dốc tới tận đỉnh đồi, nơi ban gã đã đi khuất, dáng vẻ còn tức cười hơn nhiều so với tay bạn tập tễnh, ngật ngưỡng nọ. Nhưng tới đỉnh, gã trông thấy một thung lũng nông, trống vắng sự sống. Gã lại đấu tranh với cái sợ, vựot lên được , nhích thêm cái bọc qua nửa vòng phía vai trái và tiếp tục lảo đảo xuống dốc.
Đáy thung lũng sũng nước được lớp rêu dày, tựa bọt biển, hút xâm xấp trên mặt. Nước ấy, cứ mỗi bước, lại bắn vọt từ dưới chân gã và mỗi lần gã nhấc chân lên, lại nghe kêu đánh oạp khi lớp rêu ướt miễn cưỡng nhả ra. Gã lách đường từ đám lầy này sang đám lầy khác và dò theo dấu chân của người kia, dọc, ngang những gờ đá lô nhô như những hòn đảo nhỏ giữa biển rêu.
Tuy có một mình, nhưng gã không lạc. Gã biết đi quá nữa, gã sẽ đến chỗ có những cây vân sam và linh sam chết nhỏ xíu và quắt queo bên bờ một con hồ nhỏ, Titsinisili, tiếng địa phương có nghĩa là " Vùng đất của những chiếc que nhỏ ". Và chảy vào hồ ấy, là một con suối nhỏ, nước không lờ lờ màu trắng sữa. Trên bờ dòng suối này có cỏ bấc, điều này gã nhớ rất rõ, nhưng không có cây to, và gã sẽ ngược theo nó đến đầu nguồn của một đường phân thuỷ. Gã sẽ qua đường phân thuỷ đó, tới đầu nguồn một con suối khác chảy vào sông, ở đấy gã sẽ tìm thấy một chỗ cất giấu dưới một cái xuồng lật xấp, với nhiều phiến đá xếp chồng lên trên. Và trong chỗ cất giấu ấy, sẽ có đạn cho cây súng rỗng không của gã, lưỡi câu và dây câu, một cái lưỡi nhỏ , tất cả những thứ đó dùng cho việc giết và bẫy mồi làm thức ăn. Gã cũng sẽ tìm thấy bột mì, không nhiều, một miếng thịt lợn và chút ít đậu.
Bil sẽ đợi gã ở đó và họ sẽ chèo xuồng xuôi về nam trên sông Đijơ đến Hồ Gấu Lớn. Và họ sẽ xuyên qua hồ về phía nam, cứ phía nam đi miết cho đến khi tới sông Meckenji. và lại hướng nam, vẫn hướng nam, họ sẽ tiếp tục đi, trong khi mùa đông hoài công đuổi theo họ, băng đóng trong những xoáy nước, và ngày trở nên lạnh giá và hanh, cứ hướng nam mà tiến, đến một trạm ấm áp nào đó của công ty Vịnh Haxđơn, ở đó có cây mọc cao và thoáng, ở đó có ê hề đồ ăn, thức uống.
Đó là những ý nghĩ của người đàn ông này, khi gã gắng sức dấn bước. Nhưng dầu nỗ lực mấy về thể xác, gã cũng nỗ lực không kém về tinh thần, cố nghĩ rằng Bil không bỏ gã, rằng Bil chắc chắn sẽ chờ gã ở chỗ cất giấu. Gã buộc phải nghĩ vậy, nếu không thì việc gì phải ráng sức, cứ nằm xuống và chết cho rồi. Và trong khi mặt trời như quả cầu mờ từ từ lặn xuống mé tây bắc, gã điểm qua suốt lượt, nhiều lần, từng phần một chặng đương trốn chạy xuống phía nam của gã và Bil trước khi mùa đông tới. Và gã xem đi xét lại những đồ ăn ở nơi cất giấu và ở trạm của mọc ở đầm lầy, bỏ vào miệng, nhai và nuôtcông ty Vịnh Haxđơn. Đã hai ngày, gã không ăn gì cả, trong một thời gian dài hơn thế nhiều, gã phải bóp miệng, không có đủ những gì gã muốn ăn. Nhiều lúc, gã cúi xuống nhặt những quả tai tái mọc ở đầm lầy, bỏ vào miệng, nhai và nuốt. Đó là một tí hạt bọc trong một tí cùi nước. Bỏ vào mồm, cùi nước tan ra và hạt nhai găn gắt, đắng nghét. Gã biết quả ấy chẳng bổ béo gì, song cứ kiên nhẫn nhai, với một hi vọng lớn hơn kiến thức và bất chấp kinh nghiệm.
Đến chín giờ, gã vấp ngón chân vào một mô đá và chỉ vì mệt và yếu, gã lảo đảo, quỵ ngã. Gã nằm nghiêng một lúc, không động cựa. Rồi gã rút tay ra khỏi quai đeo bọc và lóng ngóng gượng ngồi dậy. Trời chưa tối hẳn và trong ánh hoàng hôn còn vương lại, gã rờ rẫm quanh, tìm những mảng rêu khô giữa những phiến đá. Khi đã vun lại được một đống, gã đốt lên một ngọn lửa, một ngọn lửa lom rom, lem nhem, và đặt lên một bình thiếc đựng nướcđể đun sôi.
Gã mở cái bọc và việc đầu tiên là đếm các que diêm. Có sáu mươi bảy que. Gã đếm tới ba lần cho chắc. Gã chia làm nhiều phần, gói bằng giấy dầu, cất một bó vào cái túi đựng thuốc lá đã rỗng không , một bó khác vào đai trong của chiếc mũ nhàu nát, bó thứ ba vào dưới ngực áo sơ mi. Làm xong việc đó, gã chợt hoảng và giở tất cả ra đếm lại. Vẫn còn nguyên sáu mươi bảy que.
Gã hong giầy tất bên bếp lửa cho khô. Đôi giày da đanh rách bươm, ướt sũng. Bít tất nhiều nhỗ thủng, chân gã trầy da cà rướm máu. Mắt cá giần giật và gã xem xét kỹ chỗ đau. Nó đã sưng lên to bằng đầu gối. Gã xé ở một trong hai tấm mền ra một miếng dài và buộc chặt lấy mắt cá. Gã xé thêm nhiều dải khác buộc quanh hai chân thay cả giầy lẫn tất. Rồi gã uống bình nước nóng bốc hơi, lên giây đồng hồ và mò vào giữa hai lớp mền chăn.
Gã ngủ như chết. Bóng tối ngắn ngủi vào khoảng nửa đêm, đến rồi đi. Măth trời lên ở mạn đông bắc, chí ít là ngày đã rạng ở khu vực ấy, vì mặt trời bị những đám mây xám che khuất.
Sáu giờ, gã thức giấc, nằm ngủ bình thản. Gã nhìn thẳng lên bầu trời xám và biết rằng mình đói. Khi chống khuỷu tay xoay người đi, gã giật mình vì một tiếng khịt to và trông thấy một con tuần lộc caribu đực đang nhìn gã với vẻ tò mò cảnh giác. Con vật cách gã không quá mười lăm mét và lập tức trong óc gã bật lên hình ảnh và vị thơm ngon của một miếng bit-tết caribu rán xèo trên bếp lửa. Như cái máy, gã với tay ra lấy cây súng rỗng không nhằm và bóp cò. Con tuần lộc khịt khịt và nhảy đi, móng nện lóc cóc khi chạy qua những mô đá.
Gã rủa một tiếng rồi quẳng cây súng rỗng không khỏi mình. Gã rên to khi bắt đầu nhổm người đứng dậy. Đó là một công việc chậm chạp và gay go. Các khớp xương của gã như những bản lề gỉ. Chúng ngúc ngắc khó khăn trong hốc xương vì cọ sát nhiều, và mỗi động tác gập vào hay duỗi ra đều chỉ thực hiện được với sự cố gắng ghê gớm. Cuối cùng khi gã điều khiển được đôi chân, lại mất độ một phút nữa để đứng thẳng lên được, đứng như tư thế của một con người.
Gã bò lên một cái gò nhỏ và nhìn khắp xung quanh. Không có cây to, cũng chẳng có cây bụi, chẳng có gì ngoài một biển rêu xám, lác đác điểm xuyết bằng những tảng đá xám, những hồ nhỏ màu xám, những suối nhỏ màu xám. Bầu trời cũng xám. Không có nắng, cũng chẳng thấy dấu hiệu gì của mặt trời ; gã không còn biết đâu là phương bắc và gã đã quên đêm qua gã đã đến chỗ này bằng cách nào. Nhưng gã không lạc. Điều đó thì gã biết. Chẳng bao lâu gã sẽ đến Vùng đất của những chiếc que nhỏ . Gã cảm thấy nó nằm bên trái đâu đấy không xa, có thể nagy sau trái đồi thấp sắp tới.
Gã quay lại xếp cái bọc cho vuông vức để lên đường. Gã kiểm tra cho chắc chắn là vẫn còn ba gói diêm riêng rẽ, tuy nhiên gã không mất thì giờ đếm lại. Nhưng gã có lần chần, cân nhắc về một cái túi da nai bè bè. Nó không to. Gã có thể che dấu nó dưới hai bàn tay mình. Gã biết nó nặng mười lăm "pao" - bằng phần còn lại của cái bọc- và nó làm gã băn khoăn. Cuối cùng, gã để nó sang một bên và cuộn cái bọc lại. Gã ngừng lạ, đăm đăm nhìn cái túi da nai bè bè. Gã nhặt vội nó lên, đưa mắt nhìn quanh ra chiều thách thức, tựa hồ sự hoang sơ đang chực cướp nó đi vậy, và khi gã đứng dậy để loạng choạng đi vào ngày mới, thì nó đã được gói gọn trong cái bọc trên lưng.
...